Góc nhìn Hiệp định TPP - CPTPP

Doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện được khả năng vươn lên, thích ứng, khai thác hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện được khả năng vươn lên, thích ứng, khai thác hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) - chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.

Việc thực thi Hiệp định CPTPP đang mang lại những kết quả tích cực trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua những tác động bởi dịch Covid-19?

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên Hiệp định CPTPP đạt khoảng 19,5 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP khoảng 21,3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số này rất ấn tượng, thậm chí là kỳ tích vì nền kinh tế trong nước đã và đang chịu nhiều tổn thất do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, kết quả trên đã thể hiện khá rõ nét sự thành công và những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng thể chế kinh tế và thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Chúng ta cần lưu ý, trong CPTPP có một số thị trường như Canada, Mexico, Pê Ru còn tương đối mới với doanh nghiệp. Trước khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này còn khiêm tốn, nhưng nay đã tăng lên đáng kể. Nếu so sánh với EU - thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam xuất siêu khoảng trên 20 tỷ USD, điều này thực sự là tín hiệu rất vui, đáng ghi nhận về năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, sẽ có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm tiếp theo.

Ông nhìn nhận gì về khả năng tận dụng, khai thác cơ hội của các doanh nghiệp?

Ngay trong việc thực thi CPTPP đã là lợi thế đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, tạo cơ hội tiếp cận được các thị trường thành viên CPTPP với tiềm năng lớn không chỉ tạo chỗ đứng cho hàng hóa Việt Nam trước mắt mà còn lâu dài. Đây là giá trị và lợi ích kinh tế mà các doanh nghiệp cần khai thác một cách nghiêm túc, từ đó gia tăng thêm cơ hội để tiếp cận nhiều thị trường mới ở khu vực châu Mỹ được đánh giá là còn nhiều tiềm năng, dư địa rất lớn.

Từ kết quả về tăng trưởng xuất khẩu, chúng ta cũng nhận thấy, nếu tiếp cận ở góc độ doanh nghiệp, có thể nói sau khoảng 3 năm, doanh nghiệp đã thể hiện được khả năng vươn lên, thích ứng trong điều kiện bình thường mới để tận dụng, khai thác hiệu quả Hiệp định CPTPP để gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường thành viên trong nội khối…

Cùng với nhiều thuận lợi, việc khai thác hiệu quả CPTPP vẫn là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp do tiêu chuẩn, đòi hỏi cao của thị trường. Thời gian tới, theo ông, doanh nghiệp, ngành hàng và cơ quan quản lý cần làm gì để vượt qua khó khăn này?

Thực tế, trong bất kỳ FTA nào, mục tiêu của nó là mở rộng thị trường, đẩy mạnh thương mại của các nước tham gia, doanh nghiệp muốn tận dụng cơ hội cần phải có sự chủ động, tích cực nắm bắt, nghiên cứu thị trường, văn hóa tiêu dùng cũng như các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của các nền kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp muốn khai thác thị trường các nước thành viên CPTPP, buộc phải đổi mới năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; nhất là nắm rõ các quy định về quy tắc xuất xứ; cải thiện, đầu tư công nghệ sản xuất… Đặc biệt, doanh nghiệp cần coi những quy định khắt khe về mặt kỹ thuật chính là “dấu mốc”, mục tiêu để hoàn thiện năng lực sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, nâng tầm doanh nghiệp.

Về phía cơ quan nhà nước, trước tiên, các cơ quan nhà nước trong ngành Công Thương phải đi đầu trong việc nhanh chóng cung cấp đầy đủ thông tin để doanh nghiệp tận dụng, khai thác được những quy định có lợi của CPTPP. Bởi, trong một số nội dung cam kết có những quy định còn mới lạ với doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, với nhiều nội dung yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, các tiêu chuẩn vệ sinh, kiểm dịch, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh và phát triển bền vững…

Từ đó, có thể thấy vai trò và trách nhiệm hỗ trợ của các cơ quan nhà nước trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn khởi đầu vô cùng quan trọng, có tính quyết định đến việc doanh nghiệp Việt Nam thoát khỏi, vượt qua tâm lý e ngại để khai thác tận dụng được nhiều nhất cơ hội và thành công như mong đợi từ CPTPP. Đồng thời, Chính phủ cần tháo gỡ các rào cản về chính sách, tiếp tục thúc đẩy việc cắt giảm chi phí về thủ tục, thời gian, hỗ trợ hạ tầng cơ sở cho các doanh nghiệp xuất khẩu như kho chứa, bến bãi thuận tiện…, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT