Góc nhìn Hiệp định TPP - CPTPP

Hiệp định CPTPP có hiệu lực giúp xuất khẩu sản phẩm gốm sứ và thủ công mỹ nghệ, trong đó sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sang thị trường Canada tăng tới 30%/năm

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực giúp xuất khẩu sản phẩm gốm sứ và thủ công mỹ nghệ, trong đó có sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sang thị trường Canada tăng tới 30%/năm.

Cơ hội rộng mở

Theo TS. Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, Canada là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho sản phẩm đồ gỗ và trang trí nội thất của Việt Nam. Nguyên do, sản xuất nội địa của Canada mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Do vậy, mỗi năm, Canada phải nhập khẩu một lượng không nhỏ sản phẩm đồ gỗ và trang trí nội thất. Cụ thể, giai đoạn 2014 - 2021 khoảng 7 tỷ USD/năm; trong đó, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu nhiều nhất, sau đó đến Mỹ, Việt Nam đứng thứ 13.

Xuất khẩu đồ gỗ sang Canada: Lực đẩy từ Hiệp định CPTPP

Đồ gỗ Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Canada

Theo dự báo, mỗi năm, Canada có thêm khoảng 400.000 dân nhập cư, nhu cầu đồ gỗ và trang trí nội thất rất lớn. Người Canada có xu hướng đổi mới thiết bị nội thất liên tục, do đó, sẽ có đa dạng phân khúc thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác...

Khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất vào Canada, cần lưu ý xu hướng và thị hiếu tiêu dùng tại thị trường này, rõ nét nhất là xu hướng chuyển từ gỗ tự nhiên/gỗ cứng lâu năm sang gỗ mềm tái sinh hoặc gỗ ván ép. Cùng đó, người tiêu dùng gốc Âu vẫn thích gỗ tự nhiên, kiểu dáng truyền thống đơn giản, người nhập cư ưa dùng sản phẩm nhập khẩu cao cấp và sản phẩm gỗ công nghiệp đóng đại trà.

Thận trọng với các biện pháp phòng vệ thương mại

Thị trường xuất khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất của Canada được ông Denis Charest - Công ty DM - 2 Inc tại Canada - cho rằng, sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới. Thời kỳ đỉnh dịch, thời gian vận chuyển từ Việt Nam đến Canada mất khoảng 100 ngày, có trường hợp kéo dài đến 4 tháng, nhưng hiện tại đã trở lại bình thường với thời gian khoảng 35 ngày như trước đại dịch. “Mặc dù Việt Nam và Canada cùng là thành viên của Hiệp định được miễn thuế xuất nhập khẩu. Nhưng doanh nghiệp cần chú ý tới các loại chi phí và vấn đề khác, nhất là về phòng vệ thương mại” - ông Denis Charest cho hay.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Trần Thu Quỳnh cho biết, cuối tháng 12/2020 khi có ý kiến phản đối của doanh nghiệp sản xuất Canada, Chính phủ Canada đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm ghế bọc nệm xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có 8 trong tổng số hàng trăm doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam tham gia trả lời bảng câu hỏi điều tra. Kết quả, 8 doanh nghiệp này chỉ bị áp mức thuế 3,7%, trong khi các doanh nghiệp khác chịu mức thuế 179% và phải nhường thị trường cho đối thủ do không thể cạnh tranh.

Theo TS. Trần Thu Quỳnh, đây là bài học lớn và khuyến nghị doanh nghiệp ngành gỗ cần hợp tác với Cục Phòng vệ thương mại và hợp tác trong quá trình điều tra của nước sở tại. “Mặc dù đã công nhận Việt Nam vận hành theo kinh tế thị trường nhưng khi có nguyên đơn đi kiện và cung cấp đủ thông tin, Canada vẫn tiến hành điều tra. Hiện, theo quy định về phòng vệ thương mại của Canada, Việt Nam vẫn bị xếp vào nhóm quốc gia có Chính phủ can thiệp vào giá bán hàng hóa” - TS. Trần Thu Quỳnh nói.

Bên cạnh việc cẩn trọng với các biện pháp phòng vệ thương mại, TS. Trần Thu Quỳnh cũng lưu ý, Canada có đạo luật an toàn tiêu dùng. Cụ thể, đồ nội thất xuất khẩu sang thị trường này phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, không có hóa chất theo quy định. Nhãn mác phải có tên bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Riêng với các sản phẩm bọc nệm sẽ phải thử nghiệm theo tiêu chuẩn của hội đồng tiêu chuẩn Canada...

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Canada đạt 111,1 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT