Góc nhìn Hiệp định TPP - CPTPP

Mới chỉ có khoảng 1,86% doanh nghiệp Việt Nam có dành sự quan tâm đáng kể và tìm hiểu về Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các cơ hội từ CPTPP là rất lớn và rất rõ, nhưng nó chỉ là trên giấy nếu các địa phương không chủ động triển khai và doanh nghiệp không chủ động thích ứng.

Sáng ngày 15/11, tại TP. Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố phối hợp với Vụ Chính thương mại đa biên - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “CPTPP: Các cam kết chính doanh nghiệp cần quan tâm và cách thức để tận dụng hiệu quả”.

co hoi tu cptpp chi la tren giay neu khong chu dong trien khai
Hơn 100 doanh nghiệp TP. Đà Nẵng có hoạt động xuất khẩu tham dự hội nghị

Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến các FTA, CPTPP

Thông tin tại Hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng – ông Nguyễn Hà Bắc - cho hay, 10 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của TP. Đà Nẵng ước đạt khoảng 2,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 1,3 tỷ USD, nhập khẩu gần 1,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Đà Nẵng sang thị trường các nước trong CPTPP chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố; nhập khẩu hàng hóa từ các nước trong CPTPP chiếm khoảng 29% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Trong CTPPP, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của TP. Đà Nẵng, chiếm gần 35% tổng kim ngạch xuất khẩu và 30% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tiếp đến là các thị trường: Malaysia, Singapore, Úc, Canada, Brunei, New Zeland… Đối với các thị trường còn lại, quan hệ thương mại với Đà Nẵng đã có nhưng còn khá hạn chế.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đà Nẵng sang thị trường CPTPP gồm: dệt may, thủy sản, đồ chơi trẻ em, thủ công mỹ nghệ, cao su thành phẩm…. Nhiều doanh nghiệp lớn của Đà Nẵng có hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các quốc gia thành viên của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, đã hiểu rõ tầm quan trọng của FTA nói chung, CPTPP nói riêng thông qua việc đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở sản xuất, công nghệ, trang thiết bị, xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn để tận dụng tốt các ưu đãi từ các thị trường của FTA.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Đà Nẵng cũng còn nhiều điểm yếu như lượng doanh nghiệp thành lập gia tăng nhưng số doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu còn khá thấp (mới chiếm khoảng 2,5% số lượng doanh nghiệp), chỉ khoảng 100 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu ổn định, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu của thành phố; đa số doanh nghiệp thành phố là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, chưa thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hoặc nếu có thì nhỏ lẻ, manh mún, năng lực cạnh tranh thấp, những doanh nghiệp này còn chưa quan tâm đến các FTA, CPTPP; chủng loại mặt hàng xuất khẩu chưa phong phú, hàm lượng giá trị gia tăng chưa cao…

Ông Bắc cho rằng, để nắm bắt được các cơ hội từ các FTA cũng như CPTPP, các doanh nghiệp phải xác định rõ được thị trường mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn của mình. Trong đó, phải xác định phát triển thương hiệu cho sản phẩm và đứng vững tại thị trường nội địa là nền tảng vững chắc cho việc mở rộng ra thị trường quốc tế. Dự báo, trong thời gian tới Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng nếu hoạt động manh mún, thiếu đầu tư và tìm hiểu kỹ thị trường thì chắc chắn sẽ gặp nhiều rào cản và có nguy cơ thất bại. Riêng đối với những doanh nghiệp đã tham gia hoạt động xuất khẩu thì tùy theo ngành hàng để đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, chủ động nguồn nguyên liệu…. để sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn được hưởng ưu đãi từ CPTPP.

“Với CPTPP, ngoài những nỗ lực của Chính phủ trong quá trình điều hành, xây dựng và điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với cam kết, thì doanh nghiệp mới chính là người quyết định sự phát triển của mình. Doanh nghiệp cần chủ động, tích cực nắm bắt các cơ hội kết nối với các đối tác CPTPP để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng cung ứng dịch vụ cho toàn khu vực và trên thế giới”, ông Bắc nói.

co hoi tu cptpp chi la tren giay neu khong chu dong trien khai
Một số ít doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Đà Nẵng đã tận dụng được các ưu đãi của CPTPP, phần nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa chủ động tiếp cận với hiệp định này

Doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, chủ động tìm kiếm thông tin, đối tác từ thương vụ, bộ- ngành

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương - cho biết, CPTPP đã thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu sang các thị trường như Canada, Mexico, Nhật Bản… Tuy nhiên, tận dụng được cơ hội từ hiệp định này mới chỉ dừng lại ở những doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Theo khảo sát từ Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mới chỉ có 1,86% doanh nghiệp xuất khẩu tham gia khảo sát cho biết họ đã tìm hiểu tương đối kỹ về CPTPP, có tới 57,91% số doanh nghiệp trả lời họ có nghe nói về CPTPP nhưng họ chưa tìm hiểu gì, vẫn còn 13,64% doanh nghiệp chưa biết đến CPTPP, phần còn lại 26,59% doanh nghiệp cho biết họ có tìm hiểu một số thông tin cơ bản về hiệp định. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi CPTPP còn rất thấp, mới chỉ đạt 190 triệu USD, chiếm tỷ lệ 1,17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung sang thị trường này (kim ngạch xuất khẩu sang thị trường CPTPP vào khoảng 16,4 tỷ USD). Kể cả 2 thị trường tiềm năng như Canada hay Mexico thì tỷ lệ tận dụng được ưu đãi quy tắc xuất xứ từ CPTPP cũng còn rất khiêm tốn (Canada là 6,45% và Mexico là 4,16%). Ngành hàng tận dụng tốt nhất là giày dép (tỷ lệ tận dụng là 10,26% trong tổng kim ngạch xuất khẩu) và sắt thép (9,89% kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi). Đáng lưu ý, cà phê và dệt may là ngành hàng có tỷ lệ tận dụng thấp nhất (chỉ 0,01% kim ngạch xuất khẩu có hưởng ưu đãi của CPTPP, con số này ở dệt may là 0,03%).

Bên cạnh sự bị động của doanh nghiệp, thì các Bộ ngành, địa phương cũng chưa thực sự có sự chuẩn bị và triển khai CPTPP đến doanh nghiệp. Mặc dù các Bộ, ngành và 63 tỉnh thành đa phần đã có báo cáo kế hoạch triển khai hiệp định, nhưng hầu hết kế hoạch mang tính chung chung, không chi tiết.

Đồng ý với quan điểm của ông Nguyễn Hà Bắc, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, cần có sự nỗ lực rất lớn từ chính quyền và doanh nghiệp để CPTPP đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với TP. Đà Nẵng, ông Khanh khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng sản phẩm chủ lực Đà Nẵng đều cần phải tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành tạo thành khối nội địa vững chắc; hình thành được khu chế biến, sản xuất tập trung và kêu gọi đầu tư cho ngành hàng như thủy sản, dệt may; chủ động phối hợp với các cơ quan đại diện thương mại, xúc tiến thương mại trong nước và các tham tán thương mại Việt Nam ở các quốc gia để tìm kiếm đối tác; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. Chính quyền TP. Đà Nẵng cần tăng cường tổ chức tập huấn cho toàn bộ doanh nghiệp hiểu rõ cam kết, quy định trong CPTPP, siết chặt quản lý để chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ….

“Ưu đãi trong CPTPP là rất lớn và rất rõ ràng. Nhưng cơ hội từ CPTPP chỉ là trên giấy nếu không chủ động triển khai. Việc triển khai này phải được thực hiện đồng bộ của cả chính quyền và các doanh nghiệp”, ông Khanh nhấn mạnh.

Chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, CPTPP chiếm 15% GDP toàn cầu, 15% giá trị thương mại toàn cầu. CPTPP được đánh giá là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang tính chất toàn diện, tiêu chuẩn cao và tạo sự thúc đẩy mạnh mẽ giao thương giữa các quốc gia thành viên.Tại hội thảo, chuyên gia đến từ Bộ Công Thương đã thông tin và cùng trao đổi với các doanh nghiệp Đà Nẵng các cam kết trong CPTPP và những vấn đề về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi trong CPTPP đối với lĩnh vực dệt may, thủy sản, điện tử, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, cao su và các vấn đề cần lưu ý liên quan.

Vũ Lê, Báo Công Thương