Góc nhìn Hiệp định TPP - CPTPP

Chỉ sau một thời gian ngắn khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã có sự tăng trưởng mạnh. Hai tháng đầu năm 2019, xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada đạt hơn 506 triệu USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo Cơ hội tiếp cận thị trường Canada trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) tổ chức tại TPHCM ngày 10/4.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Canada đã tăng gấp 3 lần từ 1,14 tỷ USD năm 2010 lên 3,85 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó Việt Nam luôn xuất siêu sang Canada. Năm 2018 giá trị xuất siêu đạt 2,14 tỷ USD. Sự kết nối thương mại giữa Việt Nam và Canada ngày càng được tăng cường thông qua việc tham gia CPTPP. Chỉ sau một thời gian ngắn CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã có sự tăng trưởng mạnh, hai tháng đầu năm 2019, xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada đạt hơn 506 triệu USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước.

Với hơn 37 triệu dân, mức sống cao và tỉ lệ đô thị hóa tới 80%, theo các chuyên gia, Canada được đánh giá là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản, chè, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, đồ gỗ…

Bà Nguyễn Sơn Trà, Phó trưởng Phòng WTO và Đàm phán thương mại (Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương) cho biết, Canada cam kết xóa bỏ 94,5% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực, tương đương với 78% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Từ năm thứ 4, Canada xóa bỏ 96,3% số dòng thuế, tương đương với 93,4% kim ngạch nhập khẩu  từ Việt Nam. Trong đó nông sản, thủy sản được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn ngay khi CPTPP có hiệu lực.

Phân tích chi tiết về những lợi thế tiềm năng, ông Bùi Tuấn Hoàn, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, người tiêu dùng Canada đa dạng về chủng tộc và văn hóa, trong đó người Canada gốc châu Á tăng nhanh trong những năm gần đây dẫn đến nhu cầu thực phẩm châu Á cũng gia tăng.

Canada có chính sách khá mở về nông sản nhiệt đới với thuế nhập khẩu bằng 0% và không có nhiều rào cản kỹ thuật. Vì vậy đây là cơ hội cho hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam nếu khắc phục được hạn chế do bảo quản và vận chuyển xa. Về thủy sản, tôm đông lạnh và cá tra là hai mặt hàng truyền  thống cũng có chỗ đứng khá vững trên thị trường Canada. DN có thể khai thác hơn nữa đối với thủy sản chế biến và môt số mặt hàng chất lượng cao như cá ngừ, mực, bạch tuộc..

Về dệt may, hiện nay hàng dệt may của Việt Nam mới chiếm khoảng 7% tổng nhập khẩu của Canada. Khi CPTPP thực thi, thuế nhập khẩu hàng dệt may vào Canada sẽ giảm từ 17-18% xuống còn 0% nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Chênh lệch về thuế nhập khẩu trước và sau CPTPP sẽ là động lực thúc đẩy dệt may xuất khẩu vào thị trường Canada.

DN cần đáp ứng được quy tắc xuất xứ

Theo ông Alex  George, Tham tán thương mại cấp cao của Canada tại TPHCM, hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại ASEAN,  hợp tác giữa DN hai bên tiến triển nhanh trong những năm gần đây. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Canada nhiều nhất là sản phẩm điện tử với kim ngạch khoảng 1 tỷ USD.

“CPTPP  sẽ giúp DN  hai bên dễ dàng tiếp cận nhau, mở cơ hội đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư giữa hai nước”, ông Alex George khẳng định

Theo thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ ngày 8/3 đến nay (ngày Thông tư hướng dẫn về CPTPP của Bộ Công Thương có hiệu lực) đã có 415 bộ C/O được cấp cho hàng xuất khẩu sang thị trường Canada, dẫn đầu trong các nước CPTPP. Hiện nay 2 mặt hàng da giày và dệt may đang tận dụng rất tốt quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang Canada.

Cục Xuất nhập khẩu lưu ý các DN, đối với các C/O vào thị trường Canada cần chú ý ghi rõ email, điện thoại của nhà sản xuất và xuất khẩu. Đây là điểm rất mới của Hiệp định CPTPP vì các FTA trước đây chỉ yêu cầu ghi tên nhà xuất khẩu vì với các FTA khác khi có nghi ngờ về xuất xứ, cơ quan chức năng của các nước chỉ cần trao đổi với Bộ Công Thương nhưng đối với CPTPP, hải quan các nước sẽ liên hệ trực tiếp với DN, nếu không có thông tin liên lạc thì các DN sẽ bị nghi ngờ về tính pháp nhân.

Xuân Tâm, Văn phòng BCĐLNKT