Góc nhìn Hiệp định TPP - CPTPP

1. Đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật

Thị trường Nhật sẽ còn mang lại nhiều cơ hội nữa cho doanh nghiệp Việt khi nước này cam kết xóa bỏ 86% dòng thuế nhập khẩu cho hàng Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực.
Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong CPTPP với kim ngạch thương mại đạt 37,862 tỷ USD.
 

Cam kết cắt giảm thuế

Theo cam kết CPTPP, với hàng nông sản (trừ gạo), Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế 78%. Đối với mặt hàng rau quả, mức thuế là 0% vào năm thứ 3 hoặc năm thứ 5 kể từ khi CPTPP có hiệu lực. Toàn bộ hàng thủy sản không được cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam - Nhật Bản sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi CPTPP có hiệu lực.

Riêng gạo xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn chịu sự điều chỉnh bởi hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Nhật Bản trong WTO. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp 2 nước đã ký thỏa thuận phát triển chuỗi giá trị gạo nhằm cải thiện khả năng gạo Việt Nam trúng thầu hạn ngạch thuế quan WTO của Nhật.

Các mặt hàng xuất khẩu còn lại của Việt Nam sang Nhật được hưởng thuế suất 0% là: cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua, ghẹ...
Ngoài ra, Nhật Bản sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan, hoặc cắt giảm một phần, hoặc cam kết kèm theo các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thịt trâu bò, heo, sữa, lúa mì, lúa gạo và các chế phẩm...

Lưu ý với doanh nghiệp

Mặc dù cánh cửa xuất khẩu sang Nhật Bản đã được mở tung, nhưng điều này không có nghĩa tất cả các sản phẩm của Việt Nam đều được đưa vào thị trường Nhật. Bởi Nhật Bản vốn được xem là một thị trường rất khó tính, đặc biệt với nông, thuỷ sản. Đơn cử, trái cây Việt Nam muốn sang được thị trường Nhật cần được xử lý hơi nước nóng, tránh côn trùng xâm nhập. Ông Đặng Văn Thái - Giám đốc Cty Artex Gobelin cho rằng, bất kỳ loại nông sản nào, chỉ cần giữ được đặc trưng, thuần chủng và đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của người Nhật sẽ cũng được chào đón ở quốc gia này. “Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu làm nghiêm túc khâu kiểm dịch, đúng với quy chuẩn theo quy định của Nhật thì cơ hội xuất khẩu vào thị trường này rất lớn”, ông Thái nói.

Với việc CPTPP bắt đầu có hiệu lực, các chuyên gia dự báo năm 2019 chắc chắn sẽ là năm bứt phá của tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.

2. Mexico: Tiềm năng xuất khẩu chính

Các quốc gia thành viên CPTPP ở châu Mỹ như Mexico… đang mở ra những cơ hội lớn cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Bộ Công thương, Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi CPTPP đối với phần lớn các mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày, nông sản, thuỷ sản… để xuất khẩu sang Mexico.


 

Đơn giản hoá thủ tục

Mexico đang tìm kiếm các thị trường mới như Mỹ Latinh và châu Á – Thái Bình Dương nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác chính như Mỹ…

Trong những năm qua Mexico đã thực hiện nhiều điều chỉnh quan trọng trong luật hải quan như: đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa, áp dụng cửa sổ điện tử nhằm tự động hóa nhiều thủ tục ngoại thương.

Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn động thực vật, Mexico đã xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để các bên liên quan có thể tiếp cận các yêu cầu về vệ sinh an toàn động thực vật.
Với CPTPP, Mexico cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ 14/1 vừa qua, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Đại diện Cty Nguyên Anh, một doanh nghiệp logistics lưu ý khi xuất khẩu sang Mexico, mỗi tờ khai được khai tối đa 50 mặt hàng; trường hợp một lô hàng có trên 50 mặt hàng, người kê khai phải khai báo trên nhiều tờ khai, các tờ khai của cùng một lô hàng được liên kết với nhau dựa trên số nhánh của tờ khai.

Về trị giá tính thuế ở Mexico, hệ thống sẽ tự động phân bổ các chi phí vận chuyển, bảo hiểm… để quy ra trị giá tính thuế xuất khẩu (giá FOB, DAF, DAP) cho từng mặt hàng. Trường hợp điều kiện giao hàng khác FOB, DAF, DAP, thì các loại phí vận tải, bảo hiểm được tính chung cho tất cả các mặt hàng của lô hàng.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó đáng lưu ý là công tác vận chuyển. Mặc dù vậy, Mexico vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng, nếu doanh nghiệp chủ động, linh hoạt, quan tâm tới đến những điều kiện địa lý ảnh hưởng tới thời gian giao hàng, và chọn dòng sản phẩm thế mạnh để cạnh tranh với các nước cũng xuất khẩu vào Mexico.

3. Peru- thị trường nhỏ, cơ hội lớn

Quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Peru còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Tuy nhiên sau khi CPTPP đi vào thực thi, cơ hội đưa hàng hoá Việt Nam vào thị trường này rất lớn.

Peru cam kết xóa bỏ 81% các dòng thuế ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% dòng thuế vào năm thứ 17.

 

Thị trường rộng mở

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Peru được đánh giá là thị trường tiềm năng và tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận của Việt Nam, bởi 75% doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Peru có quy mô nhỏ và vừa, hàng hóa sản phẩm dễ thâm nhập, cạnh tranh và có thể đi vào các nước láng giềng như Ecuador, Colombia, Bolivia và Brazil.

Dù vậy, năm 2018 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Peru chỉ đạt khoảng 250 triệu USD. CPTPP có hiệu lực trong năm 2019 tại Peru hứa hẹn sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ thương mại hai nước. 

Đây cũng là lần đầu tiên hai nước có quan hệ FTA, và Việt Nam cần nắm bắt các cơ hội mà CPTPP mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu một số loại hàng hóa có thế mạnh, như đồ gỗ ngoại thất, hạt điều, chè, hạt tiêu, rau củ quả, một số loại cà phê, dệt may, giày dép xuất khẩu sang Peru.

Lưu ý với doanh nghiệp

Cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp Việt vào Peru rất lớn, nhưng thị trường cũng có những quy định khá rõ ràng. Chính phủ Peru không đặt ra những yêu cầu đặc biệt nào đối với những tiêu chuẩn áp dụng cho hàng nhập khẩu, nhưng nông sản, thực vật, hạt giống, cành giâm, hoa quả tươi... cần phải có sự cho phép nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp Peru. Mọi loại sữa đã qua chế biến phải qua kiểm tra phân tích tại Peru trước khi thông quan.

Bên cạnh đó, khi nhập khẩu vào Peru, doanh nghiệp cần những chứng từ như ít nhất 5 bản hóa đơn thương mại, trong đó có một bản gốc; tối thiểu 6 bản vận đơn (B/L, Bill air way...), trong đó 1 bản gốc, phải có bản dịch tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên nước này không yêu cầu bắt buộc phải có phiếu đóng gói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp buộc phải có đủ các giấy chứng nhận đặc biệt, như: giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận vệ sinh và an toàn sinh học, các chứng từ về sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản, giấy chứng nhận xuất xứ,...

4. Lưu ý chứng nhận Halal khi xuất khẩu sang Malaysia

Malaysia là một quốc gia Hồi giáo nên hàng nông, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chứng nhận sản phẩm Halal.

Ông Ramlan Osman- Chủ tịch Cty Rayt Enterprise chuyên môi giới, cung cấp và tiêu thụ các sản phẩm Halal- cho biết, Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hoặc "cho phép". Người Hồi giáo chỉ sử dụng những sản phẩm, như nhóm thực phẩm và phi thực phẩm, thịt và gia cầm, các sản phẩm không phải là thịt, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và y tế… được chứng nhận Halal theo Luật Hồi giáo. Nghĩa là sản phẩm được xác nhận không có thành phần Haram (không được phép, kiêng kị), đảm bảo sự "tinh khiết" trong quá trình sản xuất.

 


Hiện Malaysia không có thỏa thuận công nhận lẫn nhau với cơ quan về tiêu chuẩn hóa và kiểm định sản phẩm Halal tại các quốc gia khác. Đây là một trong những rào cản đối với Việt Nam khi nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về chứng nhận Halal vẫn còn rất hạn chế, trong khi chứng nhận Halal là một trong những yêu cầu tiên quyết đối với nông sản, thực phẩm xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo nói chung và Malaysia nói riêng.

Ông Faizad Izany Mastor, đại diện thương mại Malaysia tại TP.HCM cho biết, do đặc thù thị trường nên Việt Nam chỉ mới xuất khẩu khoảng 65 triệu USD vào thị trường Malaysia. “Các rào cản kỹ thuật như chứng nhận Halal đối với việc nhập khẩu thịt và gia cầm được quy định thông qua việc cấp phép và kiểm soát vệ sinh. Tất cả các sản phẩm từ thịt bò, thịt cừu và gia cầm nhập khẩu phải có nguồn gốc từ các cơ sở đã được các nhà chức trách Malaysia phê duyệt hoặc được chấp nhận tiêu dùng của người Hồi giáo. Lợn và các sản phẩm thịt lợn có thể được nhập khẩu vào Malaysia chỉ khi Cục Thú y Malaysia (DVS) cấp giấy phép cho phép nhập khẩu. Mỗi lô hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn phải có giấy phép nhập khẩu hợp lệ do Cơ quan Kiểm dịch Malaysia (MAQIS) cấp. Các giấy phép được cấp trên cơ sở từng trường hợp và đôi khi bị từ chối mà không cần giải thích”, ông Faizad Izany Mastor cho biết.

Đây là những đặc thù thị trường buộc các doanh nghiệp Việt phải tuân thủ. Nếu đáp ứng được yêu cầu nói trên, thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với thị trường Hồi giáo chiếm đến 1/4 dân số thế giới

Mặc dù vậy, Malaysia cũng là một thị trường tiềm năng. Đặc biệt, ngay khi CPTPP có hiệu lực, Malaysia xóa bỏ 84,7% số dòng thuế và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, số dòng thuế cam kết cắt giảm lên tới 99,9%.

Dù đến nay, chính quyền Malaysia cho biết sẽ chỉ phê chuẩn CPTPP sau khi chắc chắn Hiệp định có lợi cho đất nước, nhưng rõ ràng, những cơ hội xuất khẩu sang thị trường này vẫn đang rộng mở đối với hàng hoá Việt.

5. Chile – thị trường đầy tiềm năng

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Chile được kỳ vọng sẽ tăng mạnh sau khi CPTPP có hiệu lực.

Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Chile đạt 1,09 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2017.

Thị trường tiềm năng

Giống như Peru, Chile dù là một thị trường nhỏ nhưng cơ hội lại rất rộng mở cho hàng hóa Việt Nam. Trong bối cảnh Hiệp định CPTPP dự kiến được thông qua tại Chile vào quý II/2019, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn nữa để tăng cường xuất khẩu sang thị trường này. Bởi với việc thực thi CPTPP, số lượng sản phẩm của Việt Nam tiếp cận thị trường này sẽ nhiều hơn, thời gian giảm thuế của CPTPP cũng nhanh hơn so với FTA song phương Việt Nam- Chile. Theo đó, Chile cam kết cắt giảm 95,1% tổng số dòng thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, và 99,9% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 8.
Theo Bộ Công Thương, các mặt hàng ưu tiên thúc đẩy xuất khẩu sang Chile bao gồm: hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, mật ong, nông sản, thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP; phần lớn các sản phẩm gỗ cũng được hưởng thuế suất 0%; giày dép, cao su được xóa bỏ thuế suất vào năm thứ 4; dệt may được xóa bỏ thuế suất vào năm thứ 8...

Lưu ý với doanh nghiệp xuất khẩu

Các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng của Chile kém phát triển và không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Hàng năm, Chile phải nhập khẩu trên 16 tỷ USD hàng tiêu dùng. Các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Chile chủ yếu mang tính bổ sung, không cạnh tranh lẫn nhau.

Khi xuất khẩu sang Chile, các doanh nghiệp cần có đủ các chứng từ cần thiết để xin phép nhập khẩu hàng hoá vào Chile gồm: Hoá đơn thương mại, do nhà xuất khẩu cung cấp theo đúng luật pháp hiện hành của nước xuất xứ; vận đơn tuỳ thuộc vào loại phương tiện vận chuyển được cung cấp bởi các hãng vận chuyển; giấy chứng nhận kiểm định sản phẩm do các phòng thí nghiệm hay các phòng kiểm định chất lượng cấp.

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần lưu ý tới quy chuẩn an toàn do các cơ quan chức năng của Chính phủ cấp cho nhà xuất khẩu tại nước xuất xứ; Giấy phép đăng ký sản phẩm tuỳ theo chủng loại sẽ được cấp tại ISP hoặc SAG - Chile, hoặc cả hai (áp dụng cho hàng nông sản, thuỷ sản); Chứng nhận chất lượng hàng hoá do SGS, Bureau Veritas... cấp cho nhà xuất khẩu.

Nguồn: Lâm Thị Quỳnh Anh, Văn phòng BCĐLNKT