Góc nhìn Hiệp định TPP - CPTPP

Kể từ khi CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, Việt Nam bắt đầu mở cửa thị trường mua sắm chính phủ, hoạt động lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu theo cam kết trong hiệp định này.

Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với Nhà nước và doanh nghiệp (DN), nhà thầu nội.

Mở cửa đấu thầu ở 21 cơ quan cấp trung ương, 38 đơn vị sự nghiệp  

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết: CPTPP quy định cụ thể mua sắm chính phủ (MSCP) được hiểu là khoản chi do một cơ quan nhà nước hoặc cơ quan do Nhà nước ủy quyền thực hiện để mua sắm tài sản, thiết bị của chính phủ. Do vậy, MSCP là một thị trường mà người mua gắn liền với Nhà nước như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Cũng như Luật Đấu thầu, Chương MSCP của CPTPP đưa ra các quy tắc, quy trình trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, ở mức độ yêu cầu cao hơn về tính công bằng, công khai, minh bạch”.

Theo đó, Việt Nam sẽ phải tổ chức lựa chọn nhà thầu trong khối các nền kinh tế tham gia CPTPP (đấu thầu nội khối) hoặc đấu thầu quốc tế cho phép các nước CPTPP tham gia dự thầu. Nguyên tắc cơ bản nhất của Chương MSCP là đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử. Chủ đầu tư có nghĩa vụ đối xử với nhà thầu, hàng hóa của Việt Nam cũng như nhà thầu và hàng hóa của các nền kinh tế CPTPP một cách công bằng.  

Bên cạnh đó, Việt Nam không được sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa, nhà thầu trong nước cũng như bất kỳ biện pháp nào để gia tăng hàm lượng nội địa hoặc đưa ra yêu cầu về chuyển giao công nghệ; khuyến khích đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, chống tham nhũng…

Đặc biệt, trong CPTPP, Việt Nam cam kết thực hiện mở cửa và thực hiện theo các đối tượng cụ thể. Thứ nhất, chủ đầu tư, hay chính là bên mời thầu, bao gồm các đơn vị được liệt kê trong bản chào là 21 cơ quan cấp trung ương, không cam kết với các cơ quan thuộc Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao. Riêng đối với các Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa các gói mua sắm một số loại hàng hóa, dịch vụ nhất định. 

Đáng lưu ý nữa là, Việt Nam cũng cam kết mở cửa đấu thầu của 38 đơn vị sự nghiệp, bao gồm các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam.

Ngoài ra, theo quy định trong CPTPP, các thành viên cũng có thể áp dụng các loại trừ, ngoại lệ và các biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi. Ví dụ, Việt Nam được loại trừ các gói thầu xây dựng nghĩa trang liệt sỹ; mua xăng dầu; mua sắm ở trong nước để tiêu dùng ngoài lãnh thổ; mua sắm dự trữ quốc gia…vì lý do an ninh, quốc phòng.

Sân chơi mới đầy tiềm năng và thách thức  

Theo các chuyên gia kinh tế, CPTPP mở ra cơ hội tốt đối với Việt Nam cũng như các bên tham gia mua sắm. Hiệp định sẽ thúc đẩy thị trường mua sắm chính phủ nước ta phát triển, hòa nhịp cùng với khu vực và thế giới.

Mặc dù vậy, cam kết về MSCP trong CPTPP cũng sẽ tạo ra thách thức lớn đối với cả Nhà nước và cộng đồng DN, nhà thầu Việt về chính sách, môi trường, năng lực...  

“CPTPP cho phép các nước đang phát triển được phép áp dụng một số biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi. Ví dụ như, trong vòng 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ không chịu sự điều chỉnh của cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan tới các nghĩa vụ của mình theo Chương MSCP” - Vụ Chính sách thương mại đa biên cho hay.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VinaSME) nhận định, CPTPP giúp các nhà thầu Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia và thắng thầu tại các gói thầu, dự án của tất cả các nước thành viên nội khối. Đồng thời sẽ tạo nên một động lực mạnh mẽ thúc đẩy cộng đồng DN Việt nâng cao sức cạnh tranh của mình. 

Song ông Nam cũng lo ngại, hiện nước ta không có nhiều DN, nhà thầu có đủ năng lực để có thể cạnh tranh được với các nhà thầu “khổng lồ” trong nội khối. Các nhà thầu nước ta chủ yếu có quy mô nhỏ với năng lực cạnh tranh hạn chế. “Thực tế đó đòi hỏi DN, nhà thầu Việt cần phải tận dụng hiệu quả khoảng thời gian “chờ” để nhanh chóng lớn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc thay đổi tư duy theo hướng đầu tư, kinh doanh bền vững, làm ăn uy tín hơn, đổi mới về quản trị, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…” - ông Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng để nhà thầu Việt có thể giành thắng lợi trên “sân chơi” mới đầy tiềm năng và cạnh tranh này là phải linh hoạt, chủ động nắm bắt thông tin. “Thông tin ở đây chính là các quy định, cam kết, thông tin về thị trường, về đối thủ trong nội khối CPTPP…” - ông Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lộc, để hỗ trợ cho DN, nhà thầu trong nước, Chính phủ cần tiếp tục cải cách, hoàn thiện chính sách, tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. “Việt Nam có thời gian để áp dụng các biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi. Đây là khoảng thời gian quý giá cho các nhà thầu Việt cũng như Nhà nước chuẩn bị năng lực nhằm đáp ứng được các điều kiện một cách tốt nhất để chiến thắng trên sân chơi đấu thầu trong CPTPP” - ông Lộc nhấn mạnh thêm.

Nguồn: Thời báo Tài chính