Góc nhìn Hiệp định TPP - CPTPP

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động (NLĐ) được đặc biệt coi trọng. Vì vậy, việc Việt Nam đưa nội dung cam kết về lao động vào các FTA được các chuyên gia nhận định là xu thế tất yếu.
Cơ hội đan xen thách thức

Các FTA thế hệ mới được nhận định sẽ mang lại cơ hội to lớn về việc làm cho các quốc gia, cụ thể là tạo cơ hội có thêm nhiều việc làm chất lượng cao. Theo Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh, CPTPP có hiệu lực, Việt Nam có thể tạo thêm 27.000 việc làm mới mỗi năm; thu nhập và tay nghề của NLĐcũng được cải thiện...

DN cần chú ý đến các cam kết về lao động trong FTA thế hệ mới

Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo FTA thế hệ mới - các cam kết về lao động và cơ hội cho DN Việt Nam diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia khuyến cáo: DN cần chú ý đến các cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới để tránh những rủi ro không đáng có. Bởi theo các cam kết, nếu một nước nào duy trì tiêu chuẩn lao động thấp, tiền lương và điều kiện lao động không được xác lập trên cơ sở thương lượng thì được cho là có chi phí sản xuất thấp hơn các nước thực hiện tiêu chuẩn lao động cao.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) - phân tích, CPTPP và EVFTA đều bắt buộc bên tham gia hiệp định thực hiện quyền tự do liên kết và thương lượng; xóa bỏ lao động cưỡng chế, bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động. Do vậy, các DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày phải chú ý đến vấn đề này.

Điều chỉnh tương thích

Để tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức từ các FTA thế hệ mới, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh DN, thì nâng cao chất lượng lao động là vấn đề được các chuyên gia đặc biệt lưu ý. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có kế hoạch sửa đổi pháp luật lao động cho tương thích với các FTA thế hệ mới. Song song với đó là hướng dẫn và tạo điều kiện cho DN thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy định về rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu; hỗ trợ DN xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý lao động theo chuẩn quốc tế và phải thích nghi với những tiêu chuẩn của thị trường đối tác…

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện Bộ đang triển khai để thực thi CPTPP, chuẩn bị cho EVFTA, trong đó sẽ tập trung vào một số nội dung như: Phổ biến cam kết lao động trong CPTPP và EVFTA; sửa đổi Bộ Luật lao động và ban hành các văn bản hướng dẫn…

Nguồn: Báo Công Thương