CÁC DIỄN ĐÀN KINH TẾ QUỐC TẾ

Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998. Thành tựu kinh tế và hội nhập quốc tế những năm qua đã khẳng định chủ trương tham gia APEC là đúng đắn, đúng thời điểm. Bên cạnh đó, là một trong những thành viên sáng lập ASEM, Việt Nam luôn phát huy vai trò chủ động tham gia hợp tác Á-Âu.

Tham gia APEC: Đúng đắn, đúng thời điểm

APEC mang lại nhiều lợi ích về chiến lược kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần thúc đẩy cải cách trong nước. APEC là diễn đàn quy tụ 14/28 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của nước ta, chiếm 75% kim ngạch xuất nhập khẩu, 78% tổng vốn đầu tư trực tiếp và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. 14 trong 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà nước ta đã, đang đàm phán và ký kết là với 17/20 thành viên APEC.

hoi nhap apec asem nang cao vi the viet nam
APEC Việt Nam 2017 có sự tham dự của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới

Tham gia APEC góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Là thành viên APEC, Việt Nam có vai trò, tiếng nói bình đẳng trước các nền kinh tế hàng đầu thế giới trong quá trình tham gia định hình liên kết kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, diễn đàn APEC cũng là kênh quan trọng để Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu và thực chất.

Nổi bật nhất trong hơn 20 năm tham gia APEC phải kể đến việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017. Với vai trò chủ trì của Việt Nam, tại Tuần lễ Cấp cao tháng 11/2006 tại thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC đã xác định triển vọng hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Đây là dấu ấn quan trọng, đặt nền móng cho tầm nhìn chiến lược về liên kết kinh tế toàn khu vực. 11 năm sau, Việt Nam tiếp tục được các thành viên tín nhiệm lựa chọn đăng cai APEC lần thứ hai trong bối cảnh năm 2017 được đánh giá là một trong những thời điểm khó khăn nhất đối với diễn đàn, với sự nổi lên mạnh mẽ của chủ nghĩa bảo hộ, dân túy, chống toàn cầu hóa cũng như các thách thức về biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, già hóa dân số… Việt Nam đã tổ chức thành công xuất sắc Năm APEC 2017 với đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 (TLCC APEC 25) tại thành phố Đà Nẵng.

Gia nhập APEC tạo tiền đề để Việt Nam tham gia vào những sân chơi rộng lớn và có mức độ cam kết hơn như WTO, các FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao. Việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng là đòn bẩy để hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Là thành viên đang phát triển trong APEC, Việt Nam đã đề xuất thực hiện cũng như hưởng lợi từ các chương trình xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật. Một trong ba trụ cột chính của APEC là hợp tác kinh tế và kỹ thuật (ECOTECH), hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển nâng cao năng lực, cải cách kinh tế và hội nhập khu vực, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển. Việc triển khai các sáng kiến cùng các dự án hỗ trợ của APEC đã góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tăng cường kiến thức và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập.

ASEM: Cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng

Diễn đàn hợp tác Á–Âu (ASEM) đã phát triển vượt lên kỳ vọng ban đầu, khẳng định là cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục; thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển. ASEM đã và đang là nhân tố quan trọng góp phần định hình cục diện thế giới trong thế kỷ 21. Thời gian qua, diễn đàn đang chuyển mình với những nội hàm hợp tác và liên kết sâu rộng, từng bước mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên trong nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, phục hồi kinh tế, ứng phó các thách thức toàn cầu.

Là một trong những thành viên sáng lập ASEM, Việt Nam luôn phát huy vai trò chủ động tham gia hợp tác Á-Âu trên cả 3 lĩnh vực: Đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác khác. Việc tham gia ASEM tạo thêm điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, hỗ trợ cho quan hệ song phương; đẩy mạnh ngoại giao đa phương; tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, trao đổi văn hóa, giáo dục - đào tạo phục vụ các yêu cầu phát triển đất nước:

ASEM là nơi hội tụ 19 trong số 26 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam, chiếm khoảng 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 70% tổng giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch quốc tế. 14 trong 16 FTA mà Việt Nam đã ký hoặc đang đàm phán là với các đối tác ASEM. Những con số này phản ánh phần nào ý nghĩa và vai trò của các thành viên ASEM đối với bức tranh tổng thể kinh tế Việt Nam, nhất là trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tiếp thu công nghệ tiên tiến và kỹ năng quản lý cao, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Trong bối cảnh môi trường hòa bình, an ninh trên thế giới và khu vực đứng trước nhiều thách thức, cạnh tranh giữa các nước lớn phức tạp, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên ASEAN trong ASEM để ngày càng có nhiều thành viên đề cao lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định để phát triển, lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa của ta trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ… Bên cạnh đó, ASEM là diễn đàn quan trọng để Việt Nam đa phương hóa.

Thông qua các cơ chế hợp tác về quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai, Đối thoại ASEM về phát triển bền vững với trọng tâm là hợp tác Mekong - Danube, các bộ, ngành, địa phương đã tranh thủ kinh nghiệm và hỗ trợ thiết thực của các thành viên ASEM trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. EU khẳng định hỗ trợ các nước hạ nguồn Mekong, cam kết tài trợ 1,7 tỷ Euro cho các chương trình của Mekong trong giai đoạn 2014 - 2020, Trung Quốc cam kết hợp tác, ủng hộ các hình thức hỗ trợ phát triển cho các nước hạ lưu sông Mekong...

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ASEAN và các thành viên khác trao đổi tìm ra phương cách phù hợp làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện Á - Âu; chủ động “đóng góp, xây dựng và định hình”, đề xuất giải pháp cho các vấn đề lớn của ASEM như vấn đề mở rộng thành viên, củng cố cơ chế hoạt động, thúc đẩy hiệu quả của Nhóm hợp tác chuyên ngành; tranh thủ các thành viên nhằm thúc đẩy các quan tâm chung của ASEM, đồng thời là lợi ích của Việt Nam như phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai…

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)