Hiệp định EVFTA

EVFTA mở ra cơ hội cho Việt Nam phát triển là rất lớn. Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), muốn tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, cần phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế một cách hiệu quả hơn.

Đánh giá về Hiệp định EVFTA mới được Quốc hội thông qua, dưới góc nhìn của người làm nghiên cứu, giảng dạy, PGS.TS Doãn Kế Bôn - Trường đại học Thương mại - cho rằng: “EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng. Bởi, Liên minh châu Âu (EU) hiện vẫn là thị trường xuất khẩu hàng hóa chính, lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ đứng sau thị trường Mỹ. EU cũng là một khu vực có trình độ phát triển cao. Các cam kết trong EVFTA về cắt giảm thuế quan là rất sâu và lộ trình diễn ra khá nhanh. Điều này, sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU thuận lợi hơn, cũng như tiếp cận được những công nghệ hiện đại, tiếp thu kinh nghiệm quản trị tiên tiến...”.

Tuy nhiên, cơ hội cũng đi liền với thách thức. Mặc dù cắt giảm thuế quan sâu, song không có nghĩa là hàng hóa Việt Nam vào EU được “thả lỏng”, mà thị trường EU vốn khó tính, có nhiều qui định rất khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, xã hội, môi trường, phát triển bền vững... Để xâm nhập thành công vào thị trường EU, hàng hóa của Việt Nam phải vượt qua được các rào cản phi thuế quan cũng như các rào cản lỹ thuật khác của EU. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao được năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, thương hiệu, chất lượng, giá thành cũng như dịch vụ… mới có thể có chỗ đứng tốt ở EU.

thuc thi evfta day manh tai co cau va doi moi tang truong
Quốc hội bỏ phiếu thông qua EVFTA và EVIPA ngày 8/6/2020

Ở chiều ngược lại, thực thi EVFTA Việt Nam cũng phải cắt giảm thuế cho hàng hóa của EU xâm nhập thị trường nội địa. Sức ép cạnh tranh tạo ra cũng sẽ rất lớn đối với hàng hóa và doanh nghiệp trong nước, người tiêu dùng được hưởng lợi khi tiếp cận hàng hóa của EU có chất lượng, với giá cả cạnh tranh hơn ngay tại nước mình. Nếu các doanh nghiệp trong nước không có các giải pháp để thích ứng kịp thời, nâng cao được khả năng cạnh tranh, sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí sẽ bị mất thị phần ngay trên “sân nhà”.

EVFTA có nhiều cam kết cao không chỉ về mở cửa thị trường, mà cả vấn đề thể chế kinh tế, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mua sắm chính phủ, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, các vấn đề liên quan đến môi trường, lao động… Do vậy, việc nội luật hóa các cam kết vào thực tiễn, hoàn thiện hệ thống pháp luật tương thích với thông lệ quốc tế theo lộ trình cam kết EVFTA…, cũng là một thách thức không nhỏ, bởi hệ thống pháp luật Việt Nam vốn rất phức tạp, chồng chéo.

Xét ở góc độ vĩ mô, PGS.TS Nguyễn Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho rằng: Tận dụng được cơ hội từ các FTA hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta. Trong “cuộc chơi” lớn, yếu tố quan trọng để cùng thắng là ở năng lực cạnh tranh (quốc gia và doanh nghiệp). Điều quan trọng, là Việt Nam có tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thành công hay không, có tăng được năng suất lao động hay không, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp có cải thiện và đáp ứng được đỏi hỏi của quá trình hội nhập này hay không? Nếu không tiếp tục thực hiện được, hiệu quả việc tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như của doanh nghiệp, thì cơ hội từ EVFTA có lớn đến mấy, hoặc Việt Nam có tham gia bao nhiêu FTA đi chăng nữa, kết quả thu được vẫn sẽ là không tương xứng và nguy cơ tụt hậu vẫn hiện hữu.

Theo PGS.TS Lê Xuân Bá, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã và đang thực hiện, song tiến trình diễn ra vẫn rất chậm, kết quả chưa như mong đợi. Hai vấn đề lớn đặt ra cho quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, đó là phải xác định rõ về “tư duy phát triển” và “bộ máy nhà nước”. Ở góc độ tư duy phát triển, trong bối cảnh tình hình địa chính trị, kinh tế thế giới bất định, xu hướng toàn cầu hóa vẫn là chủ đạo, song chủ nghĩa bảo hộ cũng gia tăng, nền kinh tế tăng trưởng vẫn phụ thuộc lớn vào khu vực FDI…, cần phải xác định được chiến lược, hướng phát triển đâu là lĩnh vực tập trung, then chốt để có chính sách phù hợp. Muốn phát triển kinh tế nhanh, mạnh, cần phải có cực tăng trưởng, tư duy này phải được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu xác định tư duy phát triển không phù hợp, khó có thể tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thành công.

Đối với bộ máy nhà nước, hiệu lực, hiệu quả vận hành vẫn còn những bất cập, yếu kém. Nhiều dự án, công trình đầu tư, xây dựng… còn kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí, thậm chí tham nhũng, lợi ích nhóm… gây bức xúc xã hội, làm xói mòn niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh. Những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước nếu không chấn chỉnh kịp thời, nghiêm khắc, thì khó có thể tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế hiệu quả, thành công.

QA