Hiệp định EVFTA

Để nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cần cách tiếp cận đầy đủ, hiểu thị trường, quy tắc xuất xứ... Đó là chia sẻ của ông Giorgio Aliberti - Đại sứ EU tại Việt Nam - với báo chí về Hiệp định EVFTA vừa được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn.

Hiệp định EVFTA chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua, đây là tin vui đối với cả người dân, doanh nghiệp Việt Nam và EU. Xin ông chia sẻ rõ hơn về những lợi ích mà hiệp định này mang lại?

Việc Quốc hội Việt Nam ngày 8/6 thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) là sự kiện mang tính lịch sử trong quan hệ Việt Nam - EU. Quốc hội Việt Nam thông qua với đa số phiếu, tương tự như kết quả đa số phiếu Nghị viện châu Âu thông qua, đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của hai bên.

dai su eu tai viet nam evfta the hien cam ket manh me

Hiệp định EVFTA chính là yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU. Những lợi ích cụ thể mà Việt Nam sẽ được thụ hưởng, đó là người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận các sản phẩm tiêu chuẩn cao của EU với giá phải chăng hơn; các nhà sản xuất của Việt Nam được tiếp cận thị trường tiêu chuẩn cao và có sức mua lớn; doanh nghiệp (DN) Việt Nam có cơ hội thúc đẩy khả năng cạnh tranh và xuất khẩu hàng hóa; tiêu chuẩn lao động cao mang lại giá trị cho người lao động, cùng những tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Hiện nay, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn nếu so sánh với các quốc gia/nền kinh tế khác tương đồng trong khu vực. Bởi, trong ASEAN, ngoài Singapore có FTA với EU (nhưng nền kinh tế Singapore ở trình độ phát triển khác và nghiêng về dịch vụ là chính), thì Việt Nam chủ yếu sản xuất hàng hóa, có lợi thế số một, xét về khía cạnh tiếp cận thị trường EU. Sau Covid-19, đây là cơ hội vàng với Việt Nam để nắm bắt lợi thế lớn khi EVFTA đi vào thực thi. Tuy nhiên, cơ hội này hoàn toàn phụ thuộc vào việc thực thi và quá trình cải cách của Việt Nam như thế nào.

Vậy theo ông, thách thức nào đang đặt ra đối với Việt Nam?

Thách thức đặt ra cho Chính phủ và các bộ, ngành chính là tạo ra cơ chế, chính sách thuận lợi cho DN, nhà đầu tư. Chẳng hạn, việc số hóa các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi đơn giản hóa, thủ tục hành chính cũng cần được thúc đẩy. Ngoài ra, để cải thiện xuất khẩu, cần tập trung sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng cao như tiêu chuẩn SPS, lao động, thị trường quan trọng khác. Hiệp định EVFTA như một công cụ, cơ hội, nhưng thách thức ở chỗ, không phải dành cho tất cả mọi người mà cần phải chiến đấu, nỗ lực nắm bắt cơ hội bằng cách tiếp cận đầy đủ và hiểu được thị trường, hiểu được quy tắc xuất xứ…

dai su eu tai viet nam evfta the hien cam ket manh me
Doanh nghiệp có cơ hội tăng xuất khẩu hàng hóa khi EVFTA được thực thi

Liên quan đến quy tắc xuất xứ, xin ông cho biết, cam kết của Việt Nam là gì? Nếu Việt Nam không đạt được những cam kết đó, các DN có được nhận những ưu đãi về thuế nữa hay không?

Quy tắc xuất xứ là yêu cầu quy định mang tính thách thức đối với các quốc gia khi tham gia đàm phán EVFTA. Khái niệm về hàng hóa được sản xuất, đối xử với hàng hóa thế nào đã được quy định trong hiệp định. Chỉ khi hàng hóa đảm bảo sản xuất tại Việt Nam, mới hưởng ưu đãi từ hiệp định. Nếu hàng hóa sản xuất từ quốc gia khác, hoặc sản xuất một phần giá trị ở Việt Nam, không đảm bảo được hưởng ưu đãi thuế quan. Trước sức ép như vậy, hiệp định sẽ thúc đẩy nền sản xuất trong nước của các quốc gia EU và Việt Nam.

Hiện, EU chỉ là nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam. Theo ông, trong thời gian thực thi hiệp định, môi trường đầu tư tại Việt Nam cần cải thiện gì để kích hoạt làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) từ EU?

Để thúc đẩy mối quan tâm của EU đầu tư vào Việt Nam, theo tôi, chính sách thu hút FDI của Việt Nam cần đặt trong bối cảnh có sức hút mang tính toàn diện chứ không chỉ là ưu đãi, cắt giảm thuế DN hoạt động tại đây mà cần mang tính đa chiều trong việc xây dựng chính sách. Mục đích chính là tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn, minh bạch trong thủ tục hành chính, thực thi chính sách và có tính đoán định trong cơ chế giải quyết tranh chấp hoạt động hiệu quả. Nếu chỉ có ưu đãi cắt giảm thuế, nhà đầu tư sẽ không đến, Chính phủ Việt Nam trong quá trình thực thi hiệp định cần lưu ý điều này. Đặc biệt, cần tập trung lợi ích mang tính động để nâng cao môi trường đầu tư, thu hút đầu tư từ EU. Khi Việt Nam có tiêu chuẩn đầu tư chất lượng cao, DN Việt cũng sẽ được hưởng lợi tốt hơn.

T.Minh