Theo Bộ Công Thương, sau 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA (kể từ 1/8/2020), số liệu của EU cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 50%, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại đứng đầu của EU trong số các nước ASESAN. Trong số các mặt hàng xuất khẩu thì mức tăng nhiều nhất là ở các mặt hàng nông nghiệp như: Gạo, hạt điều, hạt tiêu, cao su.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng tăng hơn 40%. Các mặt hàng nhập khẩu từ EU có sự gia tăng về kim ngạch gồm: Máy móc, phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh kẹo…
Năm 2023, xuất khẩu hàng hoá nói chung và xuất khẩu sang EU nói riêng gặp nhiều khó khăn hơn do tình hình lạm phát chung trên toàn cầu. Do đó, 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hoá sang EU giảm 8,1%, ước đạt 39,89 tỷ USD và xuất siêu sang EU ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 11,1%. Nhập khẩu từ EU ước đạt 13,7 tỷ USD, giảm 1,9%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA thì đóng góp lớn nhất là giúp nền kinh tế Việt Nam có thể khai thác được những lợi thế cạnh tranh. Điều này thể hiện rõ nhất qua những con số như sự tăng trưởng vượt bậc của rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU.
Đơn cử, với mặt hàng gạo, theo thông tin từ Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, EVFTA đã giúp xuất khẩu gạo của Lộc Trời sang EU được giảm 200 Euro/tấn nhờ giảm thuế, giúp sản phẩm gạo cạnh tranh tốt hơn.
Đồng thời, EVFTA còn là cú hích giúp ngành sản xuất thay đổi. Để chinh phục được thị trường, tận dụng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp trong khu vực, các cơ sở thu mua phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng. Về lâu dài, đây là yếu tố quan trọng đối với ngành hàng chủ lực Việt Nam chứ không chỉ là xuất khẩu đơn thuần. Việc thay đổi sản xuất giúp mang lại giá trị bền vững đối với xuất khẩu và góp phần xây dựng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Đơn cử, với mặt hàng hồ tiêu, tiềm năng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang EU là rất lớn. Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và gia vị Việt Nam cho biết, với riêng thị trường EU, Hiệp định EVFTA đã cho phép áp dụng thuế suất 0% đối với các dòng thuế về hồ tiêu và gia vị. Mặc dù vậy, việc xuất khẩu và mở rộng thị trường vẫn chưa xứng với tiềm năng. Nguyên nhân bởi EU là thị trường phân khúc cao. Sản phẩm muốn xuất khẩu vào thị trường này phải là sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. Do đó, tiềm năng, cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này vẫn còn nhiều.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hồ tiêu vào EU, bà Hoàng Thị Liên khẳng định mục tiêu phát triển bền vững ngành hồ tiêu, với chiến lược phát triển vừa đẩy mạnh xuất khẩu theo phương thức truyền thống vào các thị trường, vừa nâng cao chất lượng để tham gia sâu hơn vào chuỗi bán lẻ, hệ thống phân phối, và ưu tiên một số thị trường. Hiện ngành hàng hồ tiêu đang thâm nhập tương đối tốt vào hệ thống bán lẻ, chuỗi cung ứng ở Đức.
“Ngành hồ tiêu vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó việc lớn nhất hiện nay là làm sao doanh nghiệp thích nghi được một cách chuẩn chỉ hơn, chuyên nghiệp hơn các tiêu chí về yêu cầu của thị trường. Chiến lược phát triển của ngành hàng hồ tiêu, gia vị sắp tới là phát triển bền vững trong mối tổng hòa với sự đa dạng về ngành hàng, đa dạng về sản phẩm, đa dạng về chuỗi giá trị, đa dạng về vùng trồng, cây giống để làm sao khai thác được một cách tối đa trong khả năng ở các phân khúc của thị trường từ trung bình đến cao cấp” - bà Hoàng Thị Liên chia sẻ.
Hay đối với cà phê, theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của cà phê Việt Nam khi khoảng 40% tổng lượng cà phê xuất khẩu hằng năm của Việt Nam.
Doanh nghiệp mua cà phê Việt Nam hầu hết là các tập đoàn lớn như: Nestle, JDE, Newman, Louis Dreyfus... Vì vậy, để ổn định thị phần xuất khẩu cà phê sang EU, ngành cà phê Việt Nam phải tuân thủ quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) cũng như đáp ứng các tiêu chí về chất lượng và yêu cầu chế biến sâu của thị trường.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group cho biết, chiến lược của Phúc Sinh đầu tư mạnh vào chế biến sâu nông sản, nhất là với cà phê, hồ tiêu. Hiện Phúc Sinh đang đầu tư một dây chuyền chế biến sâu gia vị để có thể làm các sản phẩm nghiền, các sản phẩm rang xay cũng như hòa tan, tận dụng thuế 0% theo EVFTA.
Với cách đi này, doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi khi đàm phán với nhà nhập khẩu, tỷ lệ mà Phúc Sinh bán hàng thành phẩm, bán hàng chế biến sâu sang thị trường châu Âu đã tăng từ 8% lên 22% trong vòng 3 năm gần đây.
Còn ngành hàng gạo, theo EVFTA, mỗi năm EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo. Trong đó gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào thị trường này mỗi năm. Gạo cũng là mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế quan nhiều nhất trong số các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào EU, với tỷ lệ 100%.
Theo Bộ Công Thương, xuất gạo sang EU về lượng tuy không lớn so với các thị trường khu vực khác nhưng giá trị gia tăng lại rất cao do 27 nước EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam. Đây là thị trường khó tính song sẵn sàng chi trả cao cho các sản phẩm có chất lượng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tận dụng tối đa lượng gạo xuất khẩu theo hạn ngạch thuế quan để hưởng thuế 0% mà EU dành cho Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2022, xuất khẩu gạo sang thị trường EU tăng mạnh, đạt 94.510 tấn gạo và vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo hàng năm mà EU dành cho Việt Nam theo cam kết từ Hiệp định EVFTA.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu mạnh gạo sang EU đều là những doanh nghiệp lớn, có chiến lược phát triển gạo bài bản theo hướng nâng cao chất lượng như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An… Nhờ đó, chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính đồng thời cho thấy các thương nhân tận dụng tốt ưu đãi của EVFTA và các chương trình xúc tiến thương mại của Chính phủ.
TS. Đào Văn Cường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn