Hiệp định EVFTA

Tháng 2/1950, Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đến tháng 8/1957, chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng và dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ của hai nước.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác Việt Nam - Bulgaria không ngừng được vun đắp, có những bước phát triển mới, với mục tiêu vì tiến bộ chung cho hai dân tộc. Nhất là trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, trong 74 năm qua, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương... Cùng đó, Bulgaria ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021); ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016 và 2023 - 2025).

Đáng chú ý, trong 74 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là trụ cột, ưu tiên hợp tác của hai nước Việt Nam - Bulgaria. Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Bulgaria vào tháng 5/2024, nhận định về vai trò, tầm quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Việt Nam - Bulgaria là hai quốc gia có quan hệ truyền thống lâu đời. Từ những năm 1950, Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ đó đến nay, hai nước luôn ủng hộ nhau trên mỗi bước đường phát triển.

Đặc biệt nhấn mạnh về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư đang chiếm vị trí quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam - Bulgaria, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, con số này luôn có sự tăng trưởng tích cực qua từng năm. Nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã tạo động lực phát triển cho thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nói chung và giữa Việt Nam - Bulgaria nói riêng.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2015 - 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước tăng gấp đôi từ mức 102,5 triệu USD (năm 2015) lên 211,4 triệu USD (năm 2023). Năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Bulgaria đạt 140,5 triệu USD giảm 0,4% so năm 2022; nhập khẩu của Việt Nam từ Bulgaria đạt 70,9 triệu USD tăng 13% so với năm 2022.

10 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hàng hóa giữa ViệtNam và Bulgaria đạt khoảng 229,2 triệu USD tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 167,25 triệu USD tăng 37,8% và nhập khẩu đạt 61,95 triệu USD tăng 13,5%. Thặng dư thương mại trong 10 tháng đạt 105,3 triệu USD.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang thị trường Bulgaria là: Sợi bông, cà phê hạt, cao su thiên nhiên, gạo, hạt điều, quần áo, túi sách, giày da, giày thể thao, máy tính, điện thoại di động, linh kiện điện tử, bàn ghế văn phòng, sản phẩm nhựa dân dụng, thuốc lá nguyên liệu...

Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Bulgaria các sản phẩm: Sắt phế liệu, cao lanh, hóa chất, chế phẩm kích thích tăng trưởng cây trồng, lúa mì, hoa quả khô, thiết bị báo động, hạt hướng dương, dầu thực vật, rượu mạnh, rượu vang, tân dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vải nguyên liệu và phụ liệu.

Dù đã đạt những bước phát triển tích cực trong thời gian qua, song Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn cho rằng, kết quả hợp tác thương mại, đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu, cũng như quan hệ hợp tác tốt đẹp của hai nước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bulgaria năm 2023 chỉ tương ứng 0,24% nhập khẩu của Bulgaria, trong khi xuất khẩu Bulgaria vào Việt Nam chỉ chiếm 0,018% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, dư địa hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Bulgaria còn rất lớn. Hiện nay Việt Nam đang là một trong 40 quốc gia có quy mô nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đã đạt tới mức trên 700 tỷ USD, là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất trên thế giới.

Cùng với đó, Việt Nam cũng là 1 trong 15 quốc gia có môi trường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tốt nhất và tốc độ thu hút FDI hàng năm của Việt Nam tăng trưởng trung bình từ 5-6%/năm. Lũy kế nguồn vốn FDI vào Việt Nam tính đến tháng 5/2024 là 469 tỷ USD, với trên 141 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới có nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam.

Chưa kể, về công tác hội nhập, hiện nay Việt Nam đang là một nền kinh tế vô cùng mở khi sở hữu đến 17 các FTA và có quan hệ với gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việt Nam cũng là quốc gia có dân số đông với trên 100 triệu người, trong đó 65% người trong độ tuổi lao động. Việt Nam đã và đang là công xưởng của thế giới, vì thế rất cần sự hợp tác với các nước khác để nghiên cứu đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhận lực, đầu tư kinh doanh cùng phát triển...

Do vậy, thông qua Việt Nam, các doanh nghiệp Bulgaria có thể tiếp cận đến thị trường khu vực các nước ASEAN, hay các đối tác quốc tế khác mà Việt Nam cũng là thành viên trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và mong muốn Chính phủ Bulgaria tạo những điều kiện thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Bulgaria.

Mục tiêu cuối cùng là để chúng ta cùng hợp tác và phát triển” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và gợi mở, nếu đầu tư sang Việt Nam thời điểm này, các doanh nghiệp Bulgaria nên đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh...

Chiều ngược lại, theo Tổng thống Bulgaira, các lĩnh vực mới như giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, công nghiệp quốc phòng, du lịch, y tế, cung ứng lao động chất lượng cao... sẽ là những lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa hai nước Việt Nam - Bulgaria.

Cùng chung quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Bulgaria cũng khẳng định luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong kinh tế, thương mại và đầu tư, với mục tiêu nâng cao kim ngạch thương mại song phương và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư vào thị trường của nhau trong các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, khai khoáng, năng lượng... Với vị trí địa lý của mình, Bulgaria sẵn sàng làm cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu.

Đưa ra giải pháp thúc đẩy tăng tưởng thương mại, xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam - Bulgaria, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên tăng cường trao đổi để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như: Nông nghiệp, hóa chất, dược phẩm; xem xét khả năng mở rộng hợp tác phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo...

Song song đó, đẩy mạnh hợp tác phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như công nghệ xanh, sử dụng năng lượng mới, các lĩnh vực Kinh tế Số với hàm lượng công nghệ cao, thương mại điện tử...

Cùng với đó, hai bên cần tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác trao đổi đoàn doanh nghiệp tham gia các Hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại của nhau đồng thời thường xuyên trao đổi thông tin về thị trường cũng như các thông tin liên quan đến các tiêu chuẩn, quy định áp dụng đối với các mặt hàng xuất nhập khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng với những thuận lợi mà EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) đem lại, cùng với nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, thương mại và đầu tư song phương sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ.

Nguồn: Đinh Ngọc Hưởng, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước