Hiệp định EVFTA đã và đang tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành da giày Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường.
Gia tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành da giày
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành da giày hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động với hơn 1,5 triệu lao động, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước.
Đặc biệt, kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra một kỉ nguyên mới, đem lại những biến chuyển tích cực trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, trong đó có ngành da giày.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã mang về hơn 20,2 tỷ USD, giảm 15,3% so với năm 2022. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới. Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…
7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của công nghiệp hỗ trợ ngành da giày đạt 75-80% với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, ngành giày dép trong nước đã tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu. EVFTA không chỉ là động lực thúc đẩy thương mại song phương, mà theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giày dép - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU có tỷ lệ cấp C/O ưu đãi EUR.1 lên tới gần 100%. Quý I/2024, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 34,3%.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) - cũng đánh giá, với EVFTA, hoạt động xuất khẩu da giày vào EU sẽ có nhiều thuận lợi và thuế suất giảm về 0%; trong đó, mức thuế sản phẩm chủ lực giày thể thao (chiếm tới 2/3 tổng lượng giày xuất khẩu vào EU) sẽ giảm ngay chứ không chịu mức bảo hộ 7 năm như giày da. So với các đối thủ cạnh tranh khác, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5-4,2% khi xuất khẩu vào EU nên tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Xác định ngành công nghiệp da giày là một trong các ngành công nghiệp truyền thống, mũi nhọn, do vậy những năm gần đây, thành phố Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp, để xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có việc xây dựng hệ sinh thái để tận dụng tối đa ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.
Ông Nguyễn Công Hân - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng - cho biết, 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày trên địa bàn thành phố ước đạt 1,150 triệu USD, chiếm 5,01% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023. Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ngành da giày ước đạt 106,07 triệu USD, chiếm 0,67% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thành phố, tăng 28,57% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, tận dụng những ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do, trong đó Hiệp định EVFTA, trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu da giày của thành phố Hải Phòng sang một số thị trường có mức tăng trưởng trên 10%, đó là châu Âu (13%), Hàn Quốc (13%), thị trường các nước CPTPP (15%), ASEAN (17%), Hongkong (27%)...
“Nhờ tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ EVFTA, thị trường xuất khẩu da giày chủ yếu của Hải Phòng là khu vực châu Âu, tiếp đến là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand...” - ông Nguyễn Công Hân thông tin và cho biết, hiện nay hoạt động xuất khẩu ngành da giày trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, do vậy việc xây dựng được hệ sinh thái ngành da giày sẽ là tiền đề quan trọng để tận dụng tốt hơn các FTA và đẩy mạnh xuất khẩu.
Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA
Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra hàng loạt yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao.
Điển hình như EU, từ tháng 3/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững. Hay như vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất. Những chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành.
Do đó, các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.
“Doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu” - bà Phan Thị Thanh Xuân khuyến cáo.
Từ thực tế, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, nguồn nguyên phụ liệu ngành da giày vẫn còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, bị động và khó khăn khi đáp ứng các đơn hàng. Không chỉ vậy, xuất khẩu ngành da giày trong nước còn thiếu thông tin thị trường, quy định và yêu cầu của thị trường nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu da giày là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy việc thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn... vẫn đang hiệu hữu. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp da giày, vẫn chưa xây dựng được thương hiệu...
Để khắc phục và cải thiện những bất cập trên cũng như tạo đòn bẩy, thúc đẩy phát triển và tháo gỡ khó khăn trong kết nối chuỗi sản xuất, xuất khẩu của ngành da giày... cần tăng cường xây dựng kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trung ương; cơ quan quản lý địa phương; các doanh nghiệp, Hiệp hội, tổ chức; các bên cung cấp nguyên liệu, bên sản xuất... Từ đó, xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành da giày cũng như các địa phương vốn có thế mạnh đối với mặt hàng này.
Ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh, việc xây dựng Hệ sinh thái tận dụng các FTA giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích FTA (trong đó có Hiệp định EVFTA); xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Tất cả chủ thể tham gia hệ sinh thái này đều có lợi ích.
Lợi ích đối với doanh nghiệp, cơ sở, hiệp hội khi tham gia hệ sinh thái tận dụng các FTA để thúc đẩy xuất khẩu da giày chính là giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích FTA; xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp; được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình sản xuất, xuất khẩu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu... sẽ được hỗ trợ vốn từ các tổ chức tín dụng tham gia Hệ sinh thái; được tư vấn tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ; được hỗ trợ thông tin về thị trường, kết nối khách hàng, hợp đồng…; được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh trong và ngoài nước; được mở rộng tệp khách hàng thay vì tập trung một số nhóm khách hàng trước đây; có thể mở rộng việc kết nối với các tổ chức, cơ quan địa phương và trung ương; được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh trong và ngoài nước…
Các doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái tận dụng FTA ngành da giày cần đảm bảo các tiêu chí cơ bản như: Có nguồn khách hàng tiềm năng, ưu tiên doanh nghiệp có hợp động xuất khẩu ổn định và bền vững; các doanh nghiệp có những cam kết phát triển bền vững, cam kết không cạnh tranh thiếu lành mạnh; doanh nghiệp có hệ thống nhà xưởng, máy móc đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu và là doanh nghiệp uy tín, tài chính ổn định.
Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành da giày để kịp thời tháo gỡ hoặc tham mưu với cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nói chung và ngành da giày nói riêng, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguồn: Tô Văn Lực, Bộ Công thương