Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU, Hiệp định EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, đã có cuộc trao đổi về kết quả tận dụng EVFTA với Báo Công Thương.
Sau hơn 3 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ông có đánh giá gì về kết quả và mức độ tận dụng FTA này của doanh nghiệp cũng như kinh tế Việt Nam?
Đến nay, Hiệp định EVFTA được thực thi hơn 3 năm, so với nhiều FTA khác, theo tôi EVFTA đã đem lại những hiệu ứng tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng như phát triển kinh tế đất nước.
Chúng ta còn nhớ là giai đoạn 2020-2021, khi dịch Covid-19 bùng nổ, xuất khẩu của Việt Nam “lao đốc” do bị tác động nặng nề. Nhưng cũng chính trong bối cảnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020 đã giúp xuất khẩu lấy lại "phong độ", cũng như góp phần hạn chế giảm tốc của tăng trưởng kinh tế. Điều này cho thấy, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam đã tận dụng tương đối tốt EVFTA. Kết quả này cũng không phải là quá ngạc nhiên bởi EU vốn là thị trường quen thuộc với nhiều doanh nghiệp, nhiều mặt hàng và sản phẩm Việt Nam.
Tuy nhiên, so với kỳ vọng về việc EVFTA là "con đường cao tốc" gắn kết kinh tế Việt Nam với thị trường EU, hay là xét trên bình diện của nhiều chỉ số kết quả tận dụng đến nay là chưa tương xứng với tiềm năng khi tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng cầu nhập khẩu của EU vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. Nguyên nhân, có lẽ xuất phát từ nội tại của doanh nghiệp, môi trường kinh doanh, chi phí giao dịch, mức độ thông tin, tuyên tuyền về thị trường, các cam kết, ưu đãi cũng như nguồn nhân lực… chưa mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng EVFTA.
Trước thực tế đó, theo ông đâu là điểm quan trọng cần phải tháo gỡ để doanh nghiệp có thể tận dụng EVFTA một cách hiệu quả hơn?
Theo tôi, có hai vấn đề nếu không tháo gỡ sớm sẽ ảnh hưởng đến việc tận dụng EVFTA và khai thác thị trường EU khó đạt được kết quả như mong đợi.
Thứ nhất, hiện xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn tập trung vào một số quốc gia trong EU, trong khi nhiều quốc gia khác mức độ tiếp cận vẫn còn thấp.
Như chúng ta biết, thị trường EU ngoài những điểm chung còn có những khác biệt về văn hóa tiêu dùng, nhu cầu, đòi hỏi... Vì thế, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, nắm bắt thông tin chính sách, nhu cầu của từng thị trường thành viên EU, có như vậy mới khai thác tốt được các ưu đãi của EVFTA.
Mặt khác, là liên quan đến các đòi hỏi, tiêu chuẩn mới, EU áp đặt những điều khoản, quy định bắt buộc phải tuân thủ mà phải làm theo. Thậm chí các đòi hỏi, tiêu chuẩn từ các hiệp hội, ngành nghề cũng rất quan trọng, doanh nghiệp xuất khẩu phải chú ý, bởi đây là những tổ chức có tiếng nói trên thị trường nhất là về các tiêu chuẩn xanh, môi trường xã hội, quản trị...
Thứ hai, xuất nhập khẩu thường gắn với đầu tư, trong khi Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVIPA) vẫn còn một số các thành viên EU chưa phê chuẩn, nên thu hút đầu tư từ EU còn hạn chế nhất định. Chính hạn chế này cũng ảnh hưởng đến hoạt động thương mại nói chung và xuất khẩu nói riêng của Việt Nam. Như chúng ta thấy, hiện hơn 70% xuất khẩu của Việt Nam tập trung vào doanh nghiệp FDI do năng lực, nắm bắt cơ hội thị trường hiệu quả.
Từ thực tế trên cho thấy, Việt Nam cần cải thiện năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp; đồng thời cải cách thể chế, môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn mới từ thị trường EU về phát triển xanh, bền vững. Ngoài ra, cần thúc đẩy quá trình đàm phán phê chuẩn Hiệp định EVIPA, cải thiện môi trường thu hút đầu tư từ EU để gia tăng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp trong nước.
Ngoài các vấn đề về cải thiện năng lực sản xuất, xuất khẩu, câu chuyện xây dựng thương hiệu hàng hóa tại thị trường EU cũng rất quan trọng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Để thúc đẩy xuất khẩu hay gọi nôm na là bán được hàng thì việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng. Xây dựng thương hiệu hay nói cách khác là để thị trường biết đến sản phẩm của mình là do công tác xúc tiến thương mại, truyền thông marketing qua nhiều kênh khác nhau như hội chợ, triển lãm, tiếp thị bằng công nghệ số…
Ngoài ra, không chỉ có xây mà còn phải biết bảo vệ, duy trì thương hiệu của mình. Như vậy, xây dựng thương hiệu không chỉ là truyền bá thông thông tin, mà còn phải biết cách làm sao để thị trường hiểu một cách sâu sắc quá trình làm ra sản phẩm, thể hiện được các giá trị thuyền thống và tương lai hướng tới của sản phẩm…
Bên cạnh đó, để xây dựng thương hiệu cần đáp ứng được các đòi hỏi, tiêu chí mới đang trở thành xu hướng của thị trường như xanh, sạch, an toàn, nhân văn và thậm chí từng thị trường ngách còn đòi hỏi cá tính, nét đặc trưng của hàng hóa, sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp, ngành hàng phải quan tâm, chú trọng.
Thời gian tới, để thực thi Hiệp định EVFTA hiệu quả, theo ông các Bộ ngành, cụ thể là Bộ Công Thương, cần thúc đẩy các hoạt động trọng tâm nào?
Bộ Công Thương là cơ quan thực hiện nhiệm vụ đàm phán, ký kết EVFTA điều này đã thể hiện rõ vai trò quan trọng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU cũng luôn gắn liền với các hoạt động, nhiệm vụ của Bộ Công Thường. Và cho đến nay, theo tôi Bộ Công Thương đã nỗ lực trên nhiều khía cạnh để thực thi EVFTA một cách hiệu quả.
Thời gian tới, để doanh nghiệp tận dụng EVFTA tốt hơn, cũng như thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU nhiều hơn, không chỉ Bộ Công Thương mà các Bộ ngành khác cần chung tay, đồng hành xây dựng, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi. Đặc biệt, cần ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phù hợp, triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh trên "sân chơi" kinh tế thế giới một cách cụ thể, thiết thực và phù hợp.
Thục Uyên, Văn phòng TBT Việt Nam