Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/10, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 25,76 tỷ USD trong 10 tháng qua, tăng 14,7% so với cùng kỳ; giải ngân ước đạt khoảng 18 tỷ USD.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kể từ khi được thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã và đang tác động tốt đến tình hình thu hút đầu tư, nguồn lực từ Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam. Đến tháng 8/2023, có 25/27 nước thuộc EU đầu tư vào việt Nam với tổng vốn đạt 27,6 tỷ USD gồm 2.384 dự án, chiếm 6,42% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam, đưa EU lên vị trí thứ 6 các đối tác đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đây là minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng và sâu sắc trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp của EU và Việt Nam, xuất phát từ các yếu tố địa chính trị và nhu cầu mở rộng thị trường sang châu Á.
Chia sẻ với Báo Công Thương, bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan cho biết, trong khối EU, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với đa dạng lĩnh vực từ sản xuất công nghiệp, chế biến, chế tạo đến dịch vụ tư vấn thiết kế, logistics, thương mại.
10 tháng năm 2023, Hà Lan có thêm 19 dự án được cấp mới, 14 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và mua cổ phần lên đến gần 890 triệu USD. Lũy kế đến hết tháng 10/2023, Hà Lan xếp thứ 8 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 14,3 tỷ USD với 432 dự án còn hiệu lực.
Ở chiều ngược lại, hiện Việt Nam có 9 dự án đầu tư tại Hà Lan với tổng vốn đăng ký là 69,7 triệu USD, gồm các dự án: Nhập khẩu phân phối thiết bị viễn thông, xe ô tô, linh kiện; cung cấp các dịch vụ liên quan đến pin xe điện; thương mại điện tử; kinh doanh dịch vụ ăn uống; xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản…
"Hiệp định EVFTA đã và đang tác động tốt đến tình hình thu hút đầu tư, nguồn lực từ Hà Lan vào Việt Nam" - Tham tán Võ Thị Ngọc Diệp đánh giá và cho biết, đối với những doanh nghiệp Hà Lan hiện đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt với những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa là nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất từ các nước EU và xuất khẩu thành phẩm sang thị trường này, ngoài những ưu đãi về thuế do EVFTA mang lại, hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam đang được “nâng tầm” nhờ EVFTA.
Cũng theo bà Võ Thị Ngọc Diệp, bên cạnh những thuận lợi về môi trường đầu tư của Việt Nam hay xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á thì Việt Nam chính là điểm sáng đối với các nhà đầu từ. Bởi nhờ vào hiệp định EVFTA, nhờ vào kết quả thực tế việc thực thi hiệp định trong 3 năm qua đã góp phần thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Hà Lan trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt cho xuất khẩu hàng hóa sang EU.
Đặc biệt, thời gian gần đây, với những định hướng của chính phủ về thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ nguồn, bán dẫn, năng lượng xanh, Việt Nam đang là một địa điểm thu hút sự quan tâm của những doanh nghiệp trong lĩnh vực này từ Hà Lan.
Cũng theo bà Võ Thị Ngọc Diệp, Hà Lan vừa ban hành chính sách mới về hợp tác phát triển, trong đó nêu rõ Việt Nam là đối tác thương mại mà Hà Lan đặt trọng tâm trong 25 quốc gia đối tác. Đầu tư Hà Lan vào Việt Nam đồng nghĩa với việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương, cụ thể tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hà Lan nói riêng và sang EU nói chung để hưởng ưu đãi từ EVFTA.
Song, Tham tán Võ Thị Ngọc Diệp cho rằng, hiện đầu tư từ Hà Lan vào Việt Nam đang tăng trưởng tương đối tốt, tuy không có nhiều dự án quá lớn. Hiện nay, từ góc độ nhà đầu tư EU, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam còn tồn tại một số khó khăn, thách thức để tăng cường thu hút đầu tư từ EU. Về pháp lý và quy định, hệ thống pháp lý và quy định ở Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn và thiếu rõ ràng đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Chưa kể, thị trường lao động dồi dào nhưng chất lượng và trình độ chuyên môn của lao động vẫn còn hạn chế...
Do vậy, để tiếp tục thu hút đầu tư từ Hà Lan cũng như EU vào Việt Nam, bà Diệp cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương trong nước cần phải xây dựng bộ tài liệu chuẩn, đăng công khai trên các trang mạng của các cơ quan quản lý như Malaysia, Singapore đang làm hiện nay. Trong đó nêu rõ những thông tin về các ngành/lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của trung ương, địa phương, thông tin về thủ tục liên quan gồm thuê đất, giá thuê, thuế, địa điểm, những quy định đối với từng loại hình đầu tư…
"Đây cũng là những ý kiến mà Thương vụ thu thập từ các đoàn doanh nghiệp Hà Lan sau các chuyến khảo sát Việt Nam, họ cần các thông tin công khai, minh bạch để có sự chuẩn bị kỹ trước mỗi chuyến khảo sát, làm việc", bà Diệp thông tin.
Về phía Thương vụ, Tham tán Võ Thị Ngọc Diệp khẳng định, Thương vụ luôn luôn sẵn sàng và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong nước trong hoạt động quảng bá, thúc đẩy xuất khẩu. Thương vụ sẽ có những kế hoạch hoạt động cụ thể hàng năm, có những kế hoạch đột xuất theo yêu cầu thực tế tại địa bàn cũng như có những hoạt động phối hợp tổ chức với các đơn vị trong Bộ Công Thương, các địa phương trong nước.
"Chúng tôi không đề ra chính sách mà cung cấp thông tin thị trường, phối hợp với các đơn vị trong Bộ xây dựng chính sách, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến Việt Nam để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh", bà Võ Thị Ngọc Diệp nhấn mạnh.
Mạnh Tiên, Bộ TTTT