Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU mở ra những cơ hội rất lớn cho DN trong nước chinh phục thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đó, doanh nghiệp cũng phải vượt qua những thách thức không nhỏ.
EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đến nay, đã trải qua 2 năm thực thi. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã bắt đầu tận dụng tốt hơn những lợi ích mà Hiệp định mang lại thể hiện qua tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo Hiệp định tăng cao. 6 tháng năm 2022, tỷ lệ này đã tăng trên 32%, cao hơn khoảng 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Nỗ lực đưa hàng Việt tiếp cận thị trường EVFTA
7 tháng đầu năm 2022, nhờ tận dụng tốt EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng trưởng trên 20%, trong đó, xuất siêu 18,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ 2021. Với EVFTA, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau, quả Việt Nam; 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau, quả và các chế phẩm từ rau, quả. Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa được xóa bỏ ngau khi hiệp định có hiệu lực, tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T - cho biết, sản lượng rau, quả xuất khẩu của công ty sang EU đã tăng khá mạnh, đặc biệt với nhóm hàng trái cây tươi như chôm chôm, thanh long. Trước đó, doanh nghiệp đã có hoạt động xuất khẩu thường xuyên sang EU, nhưng nhờ EVFTA thương mại thuận lợi hơn, ưu đãi thuế quan tốt hơn, giúp doanh nghiệp có thêm giá trị gia tăng.
Có thể nói, EVFTA tạo ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường EU, nhưng đây cũng là một thị trường vô cùng khó tính với những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm mà không có bất cứ ngoại lệ nào cho hàng hóa Việt Nam. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, EU đã đưa ra 40 cảnh báo đối với hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam, trong số này, có 9 loại rau, quả tươi và chế biến bị EU cảnh báo về mức độ an toàn. Đặc biệt, trong xu thế ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí hậu vào năm 2050 (zero carbon), EU đã đưa ra nhiều cơ chế, trong đó phải kể đến Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). CBAM áp dụng một loạt thuế nhập khẩu, mức thuế phụ thuộc vào hàm lượng phát thải trong sản xuất cũng như chênh lệch giá carbon theo ETS (hệ thống thương mại khí thải) của EU và giá tại nước sản xuất.
Ông Shailesh Telang - chuyên gia thuộc Tổ chức Act Renewable - cho biết, CBAM đang áp dụng đối với các sản phẩm nhập khẩu thuộc các ngành điện, sắt thép, phân bón, nhôm và xi măng. Các doanh nghiệp có thời gian quá độ là 2 năm (từ 1/1/2023 - 31/12/2024) để kiểm kê khí nhà kính trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc phát thải của các đơn vị thuộc chuỗi cung ứng. Theo đó, phạm vi các ngành sản xuất bị điều chỉnh bởi cơ chế CBAM sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai, gồm nhiều sản phẩm hơn. Vì thế, CBAM sẽ tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong thời gian tới.
Trước thực tế trên, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU cần nghiên cứu cơ chế CBAM, nhận thức rõ đây là thị trường với một tiêu chuẩn hàng hóa cao để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Đồng thời, cần có thêm những chính sách hỗ trợ, thậm chí đưa ra tiêu chí sản xuất xanh, phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu hiện nay.
6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 23,82 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2021 và nhập khẩu đạt 7,88 tỷ USD, giảm 4,7% so với năm 2021.
TS.Đào Văn Cường - Bộ NNPTNT