Theo Bộ Công Thương, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cộng với những khó khăn trong hoạt động logistics khiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU năm 2021 ước đạt 556 nghìn tấn, trị giá trên 1 tỷ USD, giảm 7,9% về lượng. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu tăng nên trị giá xuất khẩu cà phê đã tăng 6,3% so với năm 2020.
Dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của EU rất lớn, Việt Nam còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nhờ lợi thế về thuế suất thuế xuất khẩu và nguồn cung cà phê chất lượng cao gia tăng. Dự báo năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU sẽ khởi sắc trở lại.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu container vận chuyển và vấn đề chi phí logistics năm 2022 vẫn đang là trở ngại không nhỏ cho ngành hàng này trong hoạt động thông quan hàng hóa. Xuất khẩu nhiều chủng loại cà phê sang EU tăng, tuy nhiên trị giá xuất khẩu ở mức thấp, chưa đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng chung toàn ngành.
Mặt khác, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thị trường lớn khác như Brazil, Colombia, Nam Mỹ, cà phê Việt Nam đối mặt với nguy cơ đánh mất thị phần rất lớn. Nếu các nhà sản xuất trong nước không điều chỉnh chiến lược kịp thời.
Xuất khẩu khoảng 50-70 tấn cà phê các loại mỗi năm cho thị trường thế giới, trong đó, xuất sang thị trường châu Âu chiếm 60%, ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp - cho biết, để vào được thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), sản phẩm cà phê phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tất cả các quy định hết sức khắt khe của thị trường khó tính này. Theo đó, sản phẩm cà phê bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý, thực thi các quy trình của Hiệp định EVFTA đã được kiểm soát từ nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu.
EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, cũng là thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn nhất và chiếm hơn 16% thị phần. Đặc biệt, với cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan nhờ Hiệp định EVFTA, cơ hội mở rộng thị trường cà phê Việt Nam tại EU là rất tiềm năng khi có 93% dòng thuế về 0%. Trong đó, sản phẩm được hưởng lợi nhất chính là cà phê chế biến. Cà phê cũng là 1 trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi. Đây là lợi thế rất lớn cho ngành.
Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam và Brazil đều có Hiệp định Thương mại tự do với EU. Do đó, cả hai nước đều được hưởng lợi về thuế suất thuế xuất khẩu cà phê vào EU. Mỗi một quốc gia cung cấp đóng vai trò khác nhau, nhằm vào một số phân khúc nhất định của ngành cà phê EU. Brazil là một nhà cung cấp lớn của cả hai chủng loại Robusta và Arabica, chiếm 71% là Arabica. Trong khi đó, Việt Nam tập trung sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta. Hiện nhu cầu của thị trường EU đối với các loại cà phê chế biến và cà phê chất lượng cao đang trong xu hướng tăng lên. Do đó, tiềm năng xuất khẩu cà phê sang EU rất lớn, nếu khai thác tốt nhu cầu thị trường và đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thương hiệu làm nên uy tín và góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm. Hiện tại dù chất lượng và sản lượng cà phê nổi tiếng thế giới, song các thương hiệu cà phê Việt Nam vẫn còn lưa thưa và mờ nhạt. Do các nhà sản xuất không tự tay chế biến sâu và xuất khẩu trực tiếp, cà phê chế biến chủ yếu xuất hiện dưới tên của những thương hiệu nước ngoài, các đại lý thu mua chính hạt cà phê Việt Nam và sau đó đổi tên để tiến hành xuất khẩu. Về ngắn hạn, đây có thể là một cách nhanh và tiện. Tuy nhiên về dài hạn, cà phê Việt Nam sẽ khó tạo được danh tiếng, uy tín, thương hiệu và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với các thương hiệu cà phê nước ngoài.
Nhu cầu tìm kiếm cà phê ngon và chất lượng cao là chung ở khắp EU. Như tại Hà Lan, 80% người tiêu dùng chọn Arabica, còn lại 20% là Robusta. Dòng cà phê hạt Colombia; hương vị việt quất, socola, hạt phỉ và mận là loại và hương vị cà phê được ưa chuộng nhất tại Hà Lan với doanh thu cao nhất trong dòng cà phê nguyên hạt, đóng trong túi 500g giá khoảng 11 - 15 EUR, tương đương từ 300 - 400 nghìn đồng.
Tương tự, Pháp được coi là thị trường tiềm năng đối với các nhà xuất khẩu cà phê, đặc biệt là phân khúc cà phê cao cấp. Dự tính, thị trường cà phê cao cấp có thể tăng từ 2% trong số 300.000 tấn bán ở Pháp mỗi năm lên 10% thị phần vào năm 2025.
Trong khi người Việt Nam ưa chuộng cà phê đậm, đắng của Robusta khi pha bằng phin và thêm sữa đặc thì người EU lại thích cà phê Arabica với vị nhạt hơn và chua.
Do đó, để gia tăng giá trị xuất khẩu cà phê Pháp, Hà Lan nói riêng và sang thị trường EU nói chung, các chuyên gia nhận định, sự thay đổi của ngành hàng tỷ USD này là tất yếu và cần thiết. Theo đó, cà phê Việt Nam bên cạnh việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ, cần có sự chuyển dịch về cơ cấu chủng loại xuất khẩu, tăng xuất khẩu cà phê chế biến phù hợp với phân khúc cao cấp trên thị trường. Bên cạnh đó, tìm hiểu tâm lý người tiêu dùng tại thị trường mục tiêu sẽ giúp doanh nghiệp không ngừng mở rộng cơ hội xuất khẩu.
TS. Đào Văn Cường - Bộ NNPTNT