Hiệp định EVFTA

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Áo vừa diễn ra tại Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn Phòng Thương mại và Công nghiệp Áo và doanh nghiệp nước này ủng hộ Việt Nam, có tiếng nói để thúc đẩy Quốc hội và Chính phủ Áo hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Hợp tác chưa tương xứng tiềm năng

Ông Richard Schenz - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Áo - cho biết, Áo mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam để tránh những đổ vỡ trong chuỗi cung ứng hàng hóa đang có nguy cơ xảy ra trên phạm vi toàn cầu. "Gần đây, chúng tôi đã thiết lập một văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm thúc đẩy việc tham gia vào các cơ hội hợp tác về công nghệ thành phố thông minh, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và giao thông vận tải, công nghệ xử lý môi trường, xử lý rác thải…" - ông Richard Schenz chia sẻ.

Khơi thông "cao tốc" kinh tế kết nối Việt Nam - EU

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa kết nối hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Về quan hệ thương mại, Áo nằm trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, con số ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19, gấp 13 lần so với thời điểm năm 2010. Tuy nhiên, kết quả này khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Sớm phê chuẩn EVIPA

Để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Áo trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hai bên cần đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như năng lượng sạch, hạ tầng, viễn thông, kinh tế số, ứng dụng công nghệ sinh học. Đồng thời, nâng cao vai trò của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Áo về hợp tác kinh tế thương mại, phối hợp triển khai các chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại dưới nhiều hình thức…

Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được thực hiện được hơn 1 năm. Nhưng, Hiệp định EVIPA mới chỉ có 6/27 quốc gia chính thức phê chuẩn EVIPA. Do đó, Việt Nam mong muốn Phòng Thương mại và Công nghiệp Áo và doanh nghiệp Áo ủng hộ Việt Nam, có tiếng nói để thúc đẩy Quốc hội và Chính phủ Áo hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVIPA sớm nhất.

"Chúng tôi ví EVFTA và EVIPA như là hai cánh của một con chim, nếu chỉ có Hiệp định thương mại mà không có Hiệp định bảo hộ đầu tư thì quyền lợi của các nhà đầu tư Việt Nam, cũng như của châu Âu sẽ không được bảo đảm. Khi hoàn tất phê chuẩn các hiệp định này ở Nghị viện, lúc đó chúng ta mới có thể coi 2 hiệp định này như là một cao tốc, đại lộ kinh tế hai chiều để kết nối châu Âu với Việt Nam" - Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Từ ngày 5 - 11/9/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham gia Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan.

Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT

loading