Tất nhiên, đi kèm với những mặt tích cực sẽ có không ít thách thức, bởi EU là thị trường khó tính, không hề dễ nắm bắt.
Ba Lan là thị trường nằm trong khối EU, được đánh giá là thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngay trong năm EVFTA có hiệu lực (năm 2020), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt 2,115 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2019. Xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt gần 1,774 tỷ USD, tăng 18,4%; nhập khẩu của Việt Nam từ Ba Lan đạt 341 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Thành Hải, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, các DN Việt Nam và Ba Lan có nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, song tiềm năng hơn cả vẫn là nông sản, thực phẩm.
Ông Hải cho biết, qua nghiên cứu của Thương vụ, gạo là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn nhất sang Ba Lan. Tuy chưa được hưởng mức thuế suất 0% nhưng Uỷ ban châu Âu đưa ra một quy định riêng và với hạn mức 80.000 tấn gạo/năm được hưởng ưu đãi thuế, bao gồm 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát, 30.000 tấn gạo thơm (gạo tấm không bị áp dụng hạn ngạch).
Tiếp đến là cà phê, hạt tiêu, hạt điều, các mặt hàng này đã được hưởng thuế suất 0%. Qua khảo sát, 60% nguyên liệu sản xuất cà phê, 40% hạt tiêu, 30% hạt điều tại thị trường Ba Lan đến từ Việt Nam nhưng chủ yếu qua các nhà phân phối lớn của Đức, Hà Lan. Thời gian gần đây, nhu cầu các mặt hàng này của Việt Nam đang mở rộng hơn với lợi thế giá cả cạnh tranh, đặc biệt doanh nghiệp Ba Lan chuyển hướng mua nguyên liệu trực tiếp từ nhà sản xuất.
Thủy sản cũng là mặt hàng có nhiều lợi thế sang thị trường Ba Lan. Theo ông Hải, Ba Lan đã từng là 1 trong 3 thị trường lớn nhất của cá tra và cá basa Việt Nam tại châu Âu, bên cạnh Hà Lan và Tây Ban Nha. Tuy người dân Ba Lan đã chuyển sang dùng các loại cá thịt trắng khác thay thế như cá minh thái Alaska hay cá rô phi nhưng với lợi thế về chất lượng sản phẩm, khả năng cung ứng, DN Việt Nam hoàn toàn có thể giành lại thị phần.
Đào Văn Cường, Bộ NNPTNN