Hiệp định EVFTA

Dù chỉ mới có hiệu lực hơn 1 tháng, song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã có nhiều tín hiệu khả quan nhờ một phần lực đẩy từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Chiều ngày 17/9, lô hàng trái cây đầu tiên đã được xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Lô hàng gồm một container dừa tươi bằng đường tàu biển và 3 tấn thanh long, 12 tấn bưởi bằng đường hàng không sang thị trường EU. Công ty Vina T&T Group – chủ lô hàng đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn Global GAP, các nhà máy chế biến, đóng gói trái cây áp dụng tiêu chuẩn như ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP), phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường EU. Sau lô hàng này, sắp tới, trung bình mỗi tuần công ty sẽ xuất khoảng 20 tấn trái cây các loại sang thị trường EU.

Trước đó, ngay từ khi Hiệp định EVFTA chuẩn bị thực thi, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine. Trong đó, giá gạo ST20 đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn, cao hơn rất nhiều so với mức giá trước khi EVFTA có hiệu lực (giá gạo ST20 khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine 520 USD/tấn).

1812-ca-phe-1
Cà phê có nhiều cơ hội xuất khẩu sang EU

Công ty Vina T&T Group và Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An là hai trong những doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt EVFTA ngay từ khi hiệp định có hiệu lực. Sau hơn một tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU, trong đó một số nông sản đã xuất khẩu sang EU như: tôm nước lợ tại Ninh Thuận; cà phê, chanh leo (chanh dây) tại Gia Lai…

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, trong tháng 8, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 50,4 tỷ USD, trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 27,7 tỷ USD, tăng 11,4% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 22,7 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng trước. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 336,92 tỷ USD; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 161,9 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2019. Cán cân thương mại cả nước đã xuất siêu gần 13,5 tỷ USD sau 8 tháng, gấp gần 2,5 lần so với số thặng dư cùng kỳ năm 2019 (5,47 tỷ USD).

Đáng chú ý, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt mức cao nhất tính theo tháng trong năm 2020. Mức tăng chủ yếu đến từ đà tăng trưởng cao của một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ... Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đều tăng trưởng cao ở mức hai con số so với tháng trước liên tục trong tháng 7 và 8 do Samsung cho ra mắt mẫu điện thoại thông minh mới Galaxy Note20 và chính thức bán ra toàn cầu trong tháng 8/2020.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, EVFTA có hiệu lực đã tạo cơ hội lớn cho XK của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như như: Nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử…

Chỉ trong 1 tháng kể từ khi EVFTA có hiệu lực (từ ngày 1/8-31/8/2020), các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh quốc. EU cũng là thị trường lớn thứ 3 của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong 8 tháng đầu năm. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan...

Riêng với mặt hàng gạo, sau 1 tháng triển khai EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu gạo hưởng lợi khá lớn bởi thuế suất mặt hàng này về 0%. Nhờ đó, giá xuất khẩu gạo đã tăng từ 80 - 200 USD/tấn so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.

Nhiều mặt hàng khác như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… cũng đang kỳ vọng lớn vào việc gia tăng xuất khẩu sang EU khi EVFTA có hiệu lực, trong bối cảnh xuất khẩu nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Từ nay đến cuối năm, để duy trì những kết quả đạt được, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định.

Thu Hiên, Tạp chí cộng sản