Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại EU, Bỉ, Luxembourg, Hội đồng châu Âu đã thông qua quyết định phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) thông qua hình thức văn bản .
Như vậy, phía Liên minh châu Âu EU đã hoàn tất toàn bộ quy trình phê chuẩn hiệp định, mở đường cho việc thực thi EVFTA ngay khi Hiệp định này được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn. Hiệp định này là văn bản thứ hai mà EU ký kết với một quốc gia Đông Nam Á, sau Singapore. Đây cũng là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất từng được ký với một quốc gia đang phát triển.
Về phía Việt Nam, hồ sơ hiện nay đã được trình và lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Nếu Quốc hội thông qua và Việt Nam kịp làm thủ tục thông báo với EU, thì có thể ngay từ thời điểm 1/7/2020, EVFTA sẽ chính thức đi vào thực thi. Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, song song với quá trình đó thì các Bộ ngành cũng phải thúc đẩy các công đoạn chuẩn bị, trong đó ưu tiên hàng đầu hiện nay là hành lang pháp lý để Hiệp định này có thể được thực thi ngay khi có hiệu lực.
Được ví như “đường cao tốc quy mô lớn”, giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, EVFTA được kỳ vọng mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và người dân hai bên.điều đó thể hiện đây là ký kết ở cấp độ cao hơn rất nhiều so với kết nối thông thường bởi vì Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU là một trong những hiệp định thương mại tư do tiêu chuẩn rất cao.
Theo đó, 99% thuế hải quan giữa hai bên sẽ được loại bỏ. Trong đó, 65% thuế đối với hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ biến mất ngay khi EVFTA có hiệu lực, phần còn lại sẽ được loại bỏ dần trong khoảng thời gian 10 năm. Ngược lại, đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, 71% thuế cũng sẽ về 0 ngay khi hiệp định có hiệu lực và phần còn lại sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 7 năm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, giới chuyên gia và doanh nghiệp đều kỳ vọng EVFTA sẽ là là một trong những con đường để giúp phần nào giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu.
Ông Lương Hoàng Thái cho biết, trong quá trình chuẩn bị để Hiệp định đi vào thực thi, một trong những điều kiện quan trọng là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quy tắc xuất xứ. Với mỗi hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương sẽ ban hành một Thông tư về vấn đề này. Hiện nay thông tư đã được dự thảo, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan để mọi người được biết sớm quy tắc xuất xứ cụ thể như thế nào mới được đi vào thị trường EU.
Hiện nay, các cơ quan liên quan đang bàn về mặt pháp lý để điều chỉnh về thời gian Thông tư có hiệu lực.
Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đã được ký kết vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian phê chuẩn của EVIPA sẽ lâu hơn vì cần được tất cả các quốc gia thành viên phê chuẩn theo thủ tục quốc gia tương ứng trước khi có thể có hiệu lực.
Thanh Tùng, Bộ Công Thương