Tin tức

Với các nước châu Á, Việt Nam đã ký kết 14 FTA, chiếm tới 82% tổng số FTA đã ký, giúp thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng.

Chiều ngày 19/12 (theo giờ Nhật Bản), tại Tokyo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Á - châu Phi.

Cùng tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...

Bên cạnh đó, Hội nghị còn có sự tham dự đầy đủ của các Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại thị trường châu Á - châu Phi.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Á - châu Phi

Phát biểu tham luận tại Hội nghị với chủ đề “Mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế khu vực châu Á - châu Phi và định hướng thời gian tới”, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - cho biết, với việc tham gia các FTA, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ kinh tế, trong đó, có các quốc gia ở khu vực thị trường châu Á, châu Phi.

Những kết quả hội nhập kinh tế nổi bật thời gian qua

Với chủ trương chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, là thành viên tích cực của gần 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam là một trong 40 nền kinh tế, có quy mô GDP lớn nhất thế giới, top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại; top 15 nền kinh tế hàng đầu về thu hút FDI, top 46 nước đứng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo.

Việt Nam đã duy trì được tăng trưởng GDP bình quân 3 năm (2021 - 2023) đạt 5,2%/năm (mức cao của khu vực và thế giới); riêng năm 2024 khả năng đạt trên 7%, cao hơn mức Quốc hội giao (6,5 - 7%).

Kết quả đó có được là nhờ thời gian qua, hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, đặc biệt thông qua việc đàm phán, ký kết các FTA. Việt Nam hiện đã ký kết 17 FTA và đang đàm phán 2 FTA, tổng cộng đã và đang tham gia 19 FTA, qua đó, Việt Nam có trên 60 đối tác FTA, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP  toàn cầu, nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành một "mắt xích" quan trọng trong mạng lưới quan hệ đối tác của các quốc gia trên thế giới.

Điều đặc biệt là, riêng đối với khu vực châu Á, Việt Nam đã ký kết tới 14 trên tổng số 17 FTA, chiếm tới 82% số FTA đã ký. Trong đó, có 8 FTA trong khuôn khổ hợp tác ASEAN nội và ngoại khối; 7 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập.

Các FTA mà Việt Nam đã ký kết với các nước trong khu vực châu Á, châu Phi gồm: FTA mới nhất vừa được ký kết là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. Với nỗ lực và quyết tâm của Bộ Công Thương và các bộ, ngành, CEPA đã hoàn tất đàm phán thần tốc trong vòng một năm. Đây là sự kiện mang dấu mốc lịch sử, tạo đột phá quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước, mở ra con đường lớn cho Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông - châu Phi.

Souvenirs

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phát biểu Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Á - châu Phi

Với việc tham gia các FTA, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ kinh tế. Hiện, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, châu Á vẫn là khu vực thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam với tỷ trọng kim ngạch chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Cùng với Mỹ, 3 nước (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) là các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm. Nhờ đó, Việt Nam đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 9 năm liên tiếp từ năm 2016 đến nay. Trong cả năm 2024, xuất siêu 24,31 tỷ USD sau 11 tháng. Khả năng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ chạm mốc 800 tỷ USD, vượt kỷ lục xuất nhập khẩu 732 tỷ USD vào năm 2022.

Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc (nhập siêu 60 tỷ USD năm 2022 và nhập siêu 49 tỷ 2023), Hàn Quốc (nhập siêu 38 tỷ USD năm 2022 và 28 tỷ USD 2023).

Dự kiến, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung vào việc thực thi hiệu quả các FTA đã ký kết, đồng thời nghiên cứu đàm phán các FTA mới tại các thị trường còn nhiều dư địa khai thác như Trung Đông, châu Phi (như FTA với các quốc gia: Ả rập Xê út, Pakistan, Ai Cập, Nam Phi - cả 3 đều ở châu Á và châu Phi). Hiện nay, Việt Nam chưa có FTA nào với thị trường châu Phi. Trong giai đoạn vừa qua, quy mô thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nam Phi duy trì đà tăng trưởng tích cực, bình quân đạt trên 1,2 tỷ USD mỗi năm là cơ sở để xem xét FTA với thị trường này.

Định hướng hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, mang lại những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trên cơ sở thực hiện các mục tiêu, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết số 93 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030, hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, khai thác hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký, đặc biệt là FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA) để tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, nâng tầm quan hệ kinh tế thương mại với các đối tác trong khu vực và trên thế giới...

Thứ hai, tham gia có chọn lọc vào các FTA và thiết chế hợp tác, liên kết mới về kinh tế nhằm thúc đẩy hợp tác hội nhập kinh tế quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả, thiết thực và trên nhiều lĩnh vực, như: Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức...

Thứ ba, phát huy vai trò tại các tổ chức, diễn đàn kinh tế quốc tế để chủ động tham gia quá trình định hình cấu trúc khu vực, xây dựng các định chế quản trị kinh tế ở tầm khu vực, liên khu vực và  toàn cầu, góp phần bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, bảo đảm tính đồng bộ và tương thích để thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường khả năng ứng phó và xử lý linh hoạt, kịp thời, hiệu quả những biến động của kinh tế thế giới.

Thứ năm, phát huy vai trò của hệ thống cơ quan đầu mối triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là tăng cường vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành kinh tế trong việc tổ chức đàm phán và điều phối thực thi cam kết trong các FTA (tham mưu điều chỉnh chính sách và nội luật, hỗ trợ doanh nghiệp thực thi hiệu quả các FTA, giám sát thực thi, đến giải quyết tranh chấp, thúc đẩy hợp tác quốc tế và đối thoại liên chính phủ).

Đồng thời, tạo mối quan hệ gắn kết hài hòa giữa các lĩnh vực hội nhập, trong đó, phát huy vai trò trọng tâm của hội nhập trong lĩnh vực kinh tế để phát huy sức mạnh tổng thể, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển chung của đất nước.

Các FTA với khu vực thị trường châu Á:

- 8 FTA trong khuôn khổ hợp tác ASEAN nội và ngoại khối, gồm: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và 7 FTA với các đối tác: Trung Quốc (ACFTA), Hàn Quốc (AKFTA), Nhật Bản (AJCEP), Ấn Độ (AIFTA), Australia và New Zealand (AANZFTA), Hồng Kông - Trung Quốc (AHKFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

- 7 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập, gồm: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), FTA Việt Nam - Chile (VCFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (Việt Nam-EAEUFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Israel (VIFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc thống nhất (CEPA)

- 2 FTA đang trong quá trình đàm phán, gồm: FTA giữa ASEAN và Canada (ACAFTA), FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA).

Từ ngày 18 đến ngày 22/12/2024, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng; chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi...

Souvenirs

Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến công tác tại Nhật Bản còn có Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...

Bên cạnh Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản và Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong đoàn công tác Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc bên lề với các đối tác tại Nhật Bản...

Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế