Tin tức

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác song và đa phương trên nhiều lĩnh vực.

Sáng ngày 30/5, tại tỉnh Bình Dương, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phối hợp với Sở Công Thương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị “Hội nghị Tuyên truyền về Hội nhập kinh tế quốc tế tại tỉnh Bình Dương năm 2024”.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam giai đoạn vừa qua và định hướng triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới. Cùng với đó, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiểu rõ hơn về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) đi vào thực thi trong thời gian tới.

Bình Dương: Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển bền vững
Đại biểu tham dự Hội nghị “Hội nghị Tuyên truyền về Hội nhập kinh tế quốc tế tại tỉnh Bình Dương năm 2024” - (Ảnh: Thanh Minh)

Tham dự hội nghị có ông Phạm Trung Nghĩa - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương); bà Nguyễn Minh Phương - Trưởng phòng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương); bà Trần Thị Thu Huyền - Trưởng phòng, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính).

Ngoài ra còn có các thành viên Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh Bình Dương, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Bình Dương: Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển bền vững
Bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - (Ảnh: Thanh Minh).

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, trong những năm qua, các chủ trương cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế đã được đề cập tại nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Đảng và Nhà nước, trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm và tiên quyết hàng đầu.

 

Hiện nay, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn biến phức tạp và khó lường trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn và các nền kinh tế lớn thường xuyên có những điều chỉnh về chính sách thương mại. Do đó, việc cập nhật, nắm bắt những xu thế mới của hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như đánh giá tác động và các khuyến nghị về chính sách hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới là vô cùng cần thiết để có thể triển khai công tác hội nhập quốc tế một cách hiệu quả.

“Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương cũng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với 11 tỉnh, thành phố nước ngoài và là thành viên chính thức, là đối tác đáng tin cậy của 3 tổ chức quốc tế, bao gồm: Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis và Hiệp hội Trung tâm Thương mại Thế giới (WTCA)” - bà Phan Thị Khánh Duyên thông tin.

Bình Dương: Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển bền vững
Bà Nguyễn Minh Phương - Trưởng phòng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương - (Ảnh: Thanh Minh).

Tại hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) và Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài Chính đã trình bày nhiều nội dung liên quan về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam giai đoạn vừa qua và định hướng triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới; cũng như cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đối với lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA).

Bình Dương: Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển bền vững
Bà Trần Thị Thu Huyền -Trưởng phòng, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính - (Ảnh: Thanh Minh).

Theo đó, để các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương hiểu rõ thêm về nhưng cơ hội, thách thức khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel được thực thi, bà Trần Thị Thu Huyền - Trưởng phòng, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) trình bày nội dung: Cam kết thuế quan trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA): Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp tỉnh Bình Dương.

Trong khi đó, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) chia sẻ về cơ hội với hàng dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nông sản khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel. Cùng với đó là các vấn đề đặt ra với các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng.

Cũng tại hội nghị này, ông Phạm Trung Nghĩa - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) đã trình bày những điểm cốt lõi về xu thế của hội nhập kinh tế quốc tế cũng như đánh giá tác động và các khuyến nghị về chính sách hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.

Riêng đối với tỉnh Bình Dương, ông Phạm Trung Nghĩa đã đưa ra nhiều khuyến nghị với địa phương này như: Chú trọng khai thác sự chuyển hướng thương mại, dịch chuyển đầu tư của các nước ra khỏi Trung Quốc. Đồng thời, chú trọng khai thác thị trường Trung Quốc vì Trung Quốc đã, đang và sẽ là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu đối với cả chính ngạch và biên mậu, đối với cả hàng hóa đúng chuẩn và phi chuẩn...

Ngoài ra, ông Phạm Trung Nghĩa lưu ý các doanh nghiệp cũng cần khai thác cơ hội ở các thị trường Việt Nam đã có Hiệp định Thương mại tự do đặc biệt là châu Âu (EU), Canada, Mexico, Israel và hết sức chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (C/O), và phát triển bền vững (lao động, môi trường).

Bình Dương: Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển bền vững
Ông Phạm Trung Nghĩa - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương - (Ảnh: Thanh Minh).

Về đầu tư nước ngoài, đại diện Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cũng khuyến nghị Bình Dương chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài thông qua các Đại sứ quán, Phòng thương mại của các nước đặt ở Việt Nam.

Ông Nghĩa cũng chia sẻ, đối với cán bộ làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, cần nâng cao năng lực nghiên cứu, bám sát diễn biến kinh tế - chính trị thế giới, khu vực và các nước lớn, các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế để dự báo và tham mưu có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bình Dương cần tăng cường tác thông tin tuyên truyền về lợi ích và kết quả thực thi các Hiệp định Thương mại tự do trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tổ chức đào tạo chuyên sâu, tổ chức các hình thức hướng dẫn nâng cao hiểu biết chuyên sâu cho doanh nghiệp về làm thế nào để tận dụng được các Hiệp định Thương mại tự do (quy tắc xuất xứ, vệ sinh kiểm dịch, rào cản kỹ thuật,...), năng lực pháp lý, cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Đối với cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung tìm hiểu và nắm chắc những thông tin về thị trường lộ trình cắt giảm thuế và các vấn đề liên quan đến các mặt hàng kinh doanh của mình để có chiến lược điều chỉnh sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh phù hợp nhằm tận dụng được cơ hội do các Hiệp định Thương mại tự do mang lại” - ông Phạm Trung Nghĩa lưu ý.

Thông qua hội nghị, các cơ quan, đơn vị, hiệp hội và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương có cái nhìn tổng quan về hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới và những cơ hội, thách thức khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel. Đồng thời, cập nhật những thông tin bổ ích khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó đóng góp vào sự phát triển cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Bình Dương.

Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và về tốc độ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tính đến tháng 5/2024, Bình Dương đã thu hút gần 4.300 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ ba cả nước sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Riêng trong năm 2023, Bình Dương đã thu hút 1,54 tỷ USD, trong đó có 140 dự án mới, 55 dự án điều chỉnh vốn và 139 dự án góp vốn mua cổ phần.