Tin tức

Sáng ngày 23 tháng 4 năm 2019 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả, vì phát triển nhanh và bền vững.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước theo dõi lĩnh vực đối ngoại; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ ngành và 63 tỉnh, thành phố tham dự trực tuyến.  Bên cạnh đó còn có đại diện một số tổ chức quốc tế ở Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)...

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe các Báo cáo tổng quan về Hội nhập quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2014-2019, trọng tâm hội nhập quốc tế đến năm 2021 và tham luận của các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và tổ chức quốc tế về thực tiễn triển khai công tác hội nhập, đồng thời kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả của hội nhập quốc tế trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong những năm qua, thực hiện chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các công việc thuộc lĩnh vực hội nhập kinh tế theo phân công của Chính phủ, phát huy vai trò trọng tâm của hội nhập kinh tế trong hội nhập toàn diện, qua đó đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tiến trình hội nhập chung của đất nước. Thực tế triển khai cho thấy, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững có sự gắn bó chặt chẽ: chính sự phát triển của đất nước là cơ sở nền tảng cho hội nhập chủ động và hiệu quả; ở chiều ngược lại, việc chủ động tích cực hội nhập giúp tăng cường tiềm lực phát triển của đất nước, đưa vị thế đất nước lên những tầm cao mới. Riêng đối với ngành công thương, có thể thấy vai trò và kết quả hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung thể hiện ở các phương diện chính sau:

Một là, các kết quả của hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch năm 2018 vừa qua cũng như kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 nói chung. Trong bối cảnh xuất khẩu trên toàn thế giới và các nước trong khu vực chững lại thì hội nhập kinh tế chính là một điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế giai đoạn vừa qua.

Hai là, hội nhập quốc tế, trong đó đi đầu là hội nhập kinh tế quốc tế, đã giúp nước ta có những bước chủ động đi đầu trong các cơ chế hợp tác kinh tế và diễn đàn khu vực. Từ một nước đi sau, lần đầu tiên ta đã vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế: ta là nước đồng chủ tịch cùng Nhật Bản để hình thành Hiệp định CPTPP, là nước thứ hai trong ASEAN kết thúc đàm phán Hiệp định FTA với EU v.v...

Ba là, hội nhập kinh tế quốc tế đem lại cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, góp phần đa dạng hóa thị trường để giảm bớt các biến động của nền kinh tế thế giới đến phát triển kinh tế đất nước. Với việc đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 11 FTA đã ký kết và đi vào thực thi, hàng xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng rộng đường ra thế giới. Không những thế, chúng ta đã khai thác hiệu quả quá trình hội nhập, gắn mở rộng tăng trưởng xuất khẩu với kiểm soát có hiệu quả hoạt động nhập khẩu và dịch chuyển thành công Việt Nam từ một quốc gia liên tục nhập siêu sang xuất siêu trong 3 năm trở lại đây với mức thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục vào năm 2018 (khoảng 7,2 tỷ USD) là mức cao nhất từ trước đến nay.

Bốn là, hội nhập đã giúp hình thành một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh toàn cầu và có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới như: dệt may (đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu), da giày (thứ 3 thế giới), điện tử (đứng thứ 12 thế giới)… Bên cạnh đó, chúng ta đã hình thành và phát triển được một số Tập đoàn kinh tế của Việt Nam có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, có khả năng vươn ra thế giới. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phát triển, bắt đầu tham gia từng bước vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 Năm là, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu (đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu theo chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Công ty tư vấn A.T Kearney).

Sáu là, dưới tác động của hội nhập, Việt Nam đã có những bước đột phá trong lĩnh vực cải cách hành chính, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Đơn cử như các cam kết về thuận lợi hóa thương mại trong WTO và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) đã giúp ta đẩy mạnh áp dụng quản lý điện tử, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp.

Bảy là, hội nhập đã tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế. Trong giai đoạn 2011 - 2018, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành được 13 dự án Luật, 75 Nghị định, trong đó có nhiều Bộ Luật quan trọng như Luật Quản lý Ngoại thương; Luật Cạnh tranh; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… qua đó, đã góp phần hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh, đảm bảo khung pháp lý ổn định, minh bạch cho hoạt động của các loại hình doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập ngày càng được mở rộng./.

Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế