Tin tức

Dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc liên tiếp vào Việt Nam, dưới cả hình thức đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp. Điều gì thúc đẩy các nhà đầu tư Hàn Quốc chọn Việt Nam như là điểm đến hàng đầu trong thời gian gần đây?

Nhà đầu tư Hàn "vung tiền" khắp nơi

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hàn Quốc rót vào Việt Nam trong 9 tháng qua đạt gần 3,1 tỷ USD, xếp thứ hai sau Nhật Bản với 5,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu xét theo số dự án thì Hàn Quốc xếp đầu tiên với 776 dự án, gấp đôi số lượng dự án của Nhật Bản.

Điều này cho thấy phổ đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam là rất rộng so với các đối tác đầu tư khác, theo đó không chỉ những doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp nhỏ cũng tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Những dự án cứ điểm của Samsung, LG... tại Việt Nam thời gian qua cũng giúp kéo theo hàng loạt công ty công nghiệp phụ trợ của Hàn vào đầu tư theo.

Không chỉ dừng lại ở đầu tư trực tiếp, các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư Hàn Quốc còn đẩy mạnh rót vốn đầu tư gián tiếp thông qua các thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) và góp vốn. Một vài thương vụ lớn có thể kể đến như hồi đầu năm nay, CJ Logistics đã chi ra hơn 100 triệu USD để mua lại cổ phần chi phối của Gemadept Logistics Holding và Gemadept Shipping Holiding.

Cuối tháng 8 vừa qua, Hanwha Group thông qua đơn vị thành viên Hanwha Asset Management cũng đã chi 9.300 tỷ đồng (400 triệu USD) để mua 84 triệu cổ phiếu ưu đãi của Tập đoàn Vingroup (VIC). Và mới đây nhất, SK Group – một trong những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, linh kiện công nghệ cao, logistics đã ra thông báo rót 470 triệu USD mua 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan, qua đó trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất nắm giữ 9,5% cổ phần của tập đoàn này.

Ở lĩnh vực tài chính cũng chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư Hàn Quốc, như Lotte Card mua Công ty Tài chính Techcombank, Shinhan Bank mua Chứng khoán Nam An và mảng bán lẻ của ngân hàng ANZ Việt Nam, KB Securities mua Chứng khoán Maritime, Mirae Asset mua Quản lý quỹ Tín Phát, và gần đây nhất là thông tin ngân hàng BIDV có thể bán cổ phần cho đối tác chiến lược Hàn Quốc là ngân hàng KEB Hana Bank.

Trước đó vào tháng 9/2017, Samsung Securities và công ty quản lý quỹ Hongkong Caldera Pacific đã mua 40% cổ phần của Dragon Capital - công ty quản lý quỹ lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Những động thái mua một loạt công ty chứng khoán, quản lý quỹ được xem như cầu nối đưa dòng vốn đầu tư từ xứ sở Kim chi chảy vào Việt Nam; và đây chính là một trong những động lực quan trọng giúp VN-Index thăng hoa trong giai đoạn đầu năm 2018.

Vì sao Việt Nam lại trở thành điểm đến hấp dẫn?

Nếu trước đó, từ những năm 2007 phần lớn dòng vốn vào Việt Nam chủ yếu đến từ Nhật, Mỹ, Singapore, Hồng Kông, thì những năm gần đây người Hàn Quốc mới “đổ” vốn mạnh vào Việt Nam. Theo một số lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc, nền chính trị ổn định và những cải cách thị trường cũng như chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã hấp dẫn những doanh nghiệp này.

Ngoài ra, chính sách mở cửa và hội nhập của Việt Nam thông qua ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang tạo nên thị trường xuất khẩu rất lớn, cũng giúp Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn. Sau khi Việt Nam ký Hiệp định Thương mại song phương (FTA) với Hàn Quốc và Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, cũng như FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) có thể hoàn tất trong năm 2018, thì “làn sóng” đầu tư từ Hàn Quốc “đổ” vào Việt Nam càng tăng lên.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đang thực thi chính sách "Làn gió phương nam mới", theo đó sẽ nâng tầm mối quan hệ lên tương đương 4 "ông lớn": Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu, đồng thời tăng cường giao lưu, hợp tác với ASEAN, trong đó Việt Nam sẽ là đối tác trọng tâm tại khu vực nhờ vị trí địa lý thuận lợi và có sự tương đồng về mặt văn hóa với Hàn Quốc.

Đáng lưu ý, dòng vốn Hàn Quốc đổ vào Việt Nam trong đó có một phần lớn là từ xu thế chuyển dịch từ Trung Quốc sang kể từ năm 2016, do một số mâu thuẫn, nhạy cảm chính trị giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Đơn cử như sự kiện Seoul cho triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ đã khiến doanh nghiệp Hàn Quốc phải hứng chịu trong chiến dịch tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Hàn Quốc ở Trung Quốc, dẫn đến bị thiệt hại nặng nề.

Nền kinh tế Việt Nam cho thấy sự ổn định, thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng, có nhiều điểm tương đồng với các sản phẩm Hàn Quốc và tương đối mở - dễ tiếp cận...

Một điều quan trọng nữa là đầu tư vào Việt Nam không chỉ giúp các nhà đầu tư Hàn có thể tiếp cận các thị trường xuất khẩu rộng lớn nhờ các hiệp định FTA như đã nói, mà còn là thị trường khu vực ASEAN với hơn 600 triệu dân nhờ vào cộng đồng kinh tế Asean (AEC) đã có hiệu lực từ đầu năm 2016, cũng như vẫn có thể phần nào duy trì hoặc tiếp cận lại thị trường khổng lồ của Trung Quốc ở ngay kề bên.

Nguồn: Anh Tuấn, Văn phòng BCĐLNKT