Tin tức

Việc Việt Nam chính thức áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, đang tạo tâm lý tích cực cho ngành mía đường nội địa cũng như tạo động lực để doanh nghiệp bước vào một cuộc cạnh tranh công bằng hơn.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) phấn khởi cho biết: Với quyết định áp thuế chống bán giá này, về cơ bản ngành sản xuất đường trong nước đã được minh oan. Và cũng từ đây tạo ra một cuộc chơi công bằng cho đường nội địa và đường nhập khẩu.

Áp thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan: Tạo cạnh tranh minh bạch cho mía đường nội

Áp thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan sẽ tạo ra một cuộc chơi công bằng cho đường nội địa và đường nhập khẩu. Ảnh minh họa

Phân tích cụ thể, VSSA chỉ ra: Các nước như Thái Lan lâu nay viện lý do ngành đường trong nước gặp khó với thiên tai dẫn đến năng suất giảm, chi phí sản xuất tăng nên Chính phủ đã có những hành động trợ giá cho ngành đường nước mình. Ẩn dưới chiêu bài thương mại tự do của hiệp định ATIGA, dòng đường từ nước này và một số quốc gia có năng suất thấp hơn (nhưng được trợ cấp tốt hơn) đã tràn vào và tước đi quyền sản xuất ngành hàng đó tại một quốc gia khác, cụ thể ở đây là Việt Nam. “Với việc được trợ giá như thế đường Thái nhập khẩu vào Việt Nam và các nước khác có thể bán với bất cứ giá nào để cạnh tranh với đường nội địa”- ông Lộc đánh giá.

Thống kê của VSSA cho thấy, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam tăng theo từng năm. Nếu trong năm 2019, tổng lượng đường nhập khẩu từ nước này chỉ 300.000 tấn thì trong năm 2020 con số tăng lên gần 1,5 triệu tấn. Và tính đến hết tháng 5/2021 Việt Nam đã nhập khẩu gần 500.000 tấn đường từ Thái Lan, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng đường sản xuất trong nước lại sụt giảm theo từng năm, niên vụ 2018/2019 sản lượng của ngành mía đường là gần 1,2 triệu tấn. Niên vụ 2019/2020, sản lượng đường của tất cả các doanh nghiệp sản xuất đường của Việt Nam đều sụt giảm rất mạnh (ước đạt chưa tới 800.000 tấn), thiệt hại của các doanh nghiệp mía đường trong nước là cực kì nghiêm trọng.

Chính vì thế, từ cuối tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm mía đường từ Thái Lan. Đến đầu tháng 10/2020, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã gửi bảng câu hỏi điều tra cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài và chính phủ Thái Lan để trả lời bảng câu hỏi điều tra. Và đến ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1578/QĐ-BCT, về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Quyết định này có hiệu lực trong 5 năm, kể từ ngày 16/6/2021.

Cụ thể, các loại mía đường nhập khẩu thuộc mã HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.99.10, 1701.99.90, 1702.90.91 sẽ bị áp thuế chống bán phá với giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%. Hai loại thuế này là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với đường mía nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.

Với việc áp thuế chống bán phá giá với đường nhập khẩu từ Thái Lan, ông Lê Bá Chiều - Phó Tổng giám đốc Công ty CP mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) hy vọng, sẽ giúp cho giá đường trong nước phục hồi và các doanh nghiệp sản xuất đường dễ thở hơn trong thời gian tới.

Tuy vậy, theo ông Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Cần Thơ nhận định, việc áp thuế đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan mới chỉ giải quyết được một phần cho ngành đường trong nước bởi vấn đề cốt lõi vẫn là giải quyết nạn đường nhập lậu. Chỉ khi giải quyết được vấn đề này thì thực sự ngành đường trong nước mới hồi phục trở lại.

Không chỉ tạo phấn khởi cho doanh nghiệp mía đường mà việc áp thuế kể trên còn tác động tới hoạt động kinh doanh trên thị trường chứng khoán. Theo đó, trong hai phiên giao dịch ngày 16 và 17/6, loạt cổ phiếu ngành đường đã đồng loạt tăng trần ấn tượng. Cụ thể, chốt phiên giao dịch 17/6 cổ phiếu LSS của Mía đường Lam Sơn đã tăng lên mức 11.850 đồng/cổ phiếu (tăng 6,76% so với phiên 16/6); cổ phiếu SBT của Công ty CP mía đường Thành Công Biên Hòa tăng trần lên 22.550 đồng/cổ phiếu (tăng 6,87% so với phiên 16/6); mã cổ phiếu KTS của Công ty CP Mía đường Kon Tum cũng có 2 phiên tăng trần từ mức 14.100 lên 17.000 đồng/cổ phiếu… Các mã cổ phiếu khác của Mía đường Quảng Ngãi, Mía đường Sơn La… cũng có giá trị giao dịch tốt.

Đặng Xuân Tâm, Cục Phòng vệ TM