Tin tức

Lần đầu tiên trong lịch sử, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) do một phụ nữ lãnh đạo. Theo đó, tiến sĩ Ngozi Okonjo-Iweala, Cựu Bộ trưởng Tài chính của Nigeria và là cựu lãnh đạo tại Ngân hàng Thế giới, chính thức bắt đầu vai trò mới của mình tại WTO vào ngày 1/3.

Việc bổ nhiệm bà là một dấu mốc mang tính lịch sử, “là một bước đột phá và tích cực” hướng tới cải cách WTO trên phạm vi rộng để định vị lại tương lai. Nhà lãnh đạo mới của WTO bắt đầu hoạt động và làm việc với tổ chức để giải quyết tổn thất kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra.

Một WTO vững mạnh là rất quan trọng nếu muốn phục hồi hoàn toàn và nhanh chóng khỏi sự tàn phá của đại dịch Covid-19. Tân Tổng giám đốc WTO sẽ hợp tác với các thành viên để định hình và thực hiện các phản ứng chính sách cần thiết để đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển trở lại.

Con đường trở thành Tổng giám đốc của các cơ quan quản lý thương mại toàn cầu của bà Okonjo-Iweala gặp một số trở ngại khi Mỹ ban đầu từ chối ủng hộ việc bổ nhiệm này, thay vào đó ủng hộ ứng cử viên Hàn Quốc. Tuy nhiên, ứng cử viên Hàn Quốc Yoo Myung-hee, cuối cùng đã rút khỏi cuộc đua và một chính quyền mới vào Nhà Trắng đã tuyên bố ủng hộ Okonjo-Iwaela - mở đường cho cuộc bổ nhiệm lịch sử.

Tân tổng giám đốc WTO chính thức bước vào nhiệm kỳ đầu tiên từ ngày 1/3

Chủ tịch Đại hội đồng WTO David Walker người New Zealand, đã dẫn dắt quá trình tuyển chọn nhà lãnh đạo kéo dài 9 tháng, gọi việc bổ nhiệm bà Okonjo-Iwaela là một "thời điểm rất quan trọng đối với WTO". Nhiệm kỳ đầu tiên của bà Okonjo-Iwaela sẽ kéo dài cho đến ngày 31/8/2025.

Trong số các thách thức mà Tân Tổng giám đốc WTO phải đối mặt, có lẽ thách thức thương mại là lớn nhất và có thể được chia thành ba nhóm lớn: Hoạt động của hệ thống giải quyết tranh chấp, sự thất bại trong đàm phán các hiệp định thương mại đa phương mới và một loạt các vấn đề rắc rối khác chủ yếu được Mỹ đưa ra như trợ cấp công nghiệp ở Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến Mỹ quyết định đơn phương áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá hơn 350 tỷ USD, một động thái sau đó được cho là vi phạm các quy định của WTO. Ngoài ra còn có sự chênh lệch về thuế quan do hệ thống tối huệ quốc của WTO gây ra, hệ thống này yêu cầu mỗi thành viên phải áp dụng cùng một biểu thuế cho tất cả các thành viên khác.

Theo quan điểm của Mỹ, vấn đề là thuế quan của nước này nhìn chung thấp hơn so với nhiều quốc gia lớn khác trong hệ thống WTO, chẳng hạn như Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc. Thêm vào đó, các quy định của WTO cho phép các thành viên tự chỉ định là “các nước đang phát triển”, điều này cho phép họ tránh thực hiện các cam kết mở cửa thị trường mới sâu sắc. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều được coi là các nước đang phát triển, mặc dù họ được Quỹ Tiền tệ quốc tế xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ năm thế giới.

Một bài kiểm tra ban đầu quan trọng đối với bà Okonjo-Iweala là liệu có thể hồi sinh Cơ quan Phúc thẩm WTO, cơ quan đã bị tê liệt từ cuối năm 2019 do chính quyền Mỹ khi đó ngăn chặn bổ nhiệm các thẩm phán mới bởi Mỹ lo ngại rằng Cơ quan Phúc thẩm đã vượt quá giới hạn của mình bằng cách áp đặt các nghĩa vụ đối với Mỹ mà họ không bao giờ đồng ý và được cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ chấp nhận. Điều đó khiến cho vấn đề trở nên cực kỳ khó giải quyết đối với bất kỳ Tổng giám đốc nào của WTO.

Tuyết Minh, Văn phòng BCĐLNKT