Tin tức

Khẳng định cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sẽ luôn hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp khai thác hiệu lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, các cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng “doanh nghiệp nên đặt hàng cụ thể cho các sứ quán” để có hiệu quả tốt nhất.

Tại buổi tọa đàm giữa Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 với các hiệp hội và doanh nghiệp phía Nam, tổ chức ngày 25/9, nhiều ý kiến nhận định: Các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đang góp phần giúp doanh nghiệp (DN) nắm bắt rõ hơn về thị trường xuất khẩu cũng như hỗ trợ về pháp lý cho các DN khi có các sự việc phát sinh.

5038-hinh-can-dat-hang-su-quan

Tuy nhiên với việc thực hiện hàng loạt các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp cho biết vẫn đang thiếu thông tin thị trường, chưa có trung tâm giới thiệu sản phẩm chung… và rất cần thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan đại diện ở nước ngoài.

Cụ thể theo Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, tại châu Âu chúng ta cần có đầu mối, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp nhằm tận dụng được ưu đãi từ hiệp định EVFTA. “Chúng ta phải nghiên cứu phát triển thành chuỗi, các trung tâm đầu mối tại 3 thị trường lớn là Mỹ, EU và Trung Quốc”, vị này cho biết.

Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh (HUBA) nêu kiến nghị: Hiện nay, nhiều DN rất cần các sứ quán tư vấn về vấn đề thanh toán quốc tế cũng như giúp DN tìm các công ty luật nước ngoài uy tín để hỗ trợ trong các vấn đề pháp lý. Bởi với những thị trường mới, ít cạnh tranh, lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng cao.

Hay với lĩnh vực thực phẩm, việc khai thác thị trường, nhất là thị trường các nước Hồi giáo (hay còn gọi là Halal) của DN chưa thực sự hiệu quả. Cùng với đó, tại thị trường EU, ngành thực phẩm Việt cũng cần có sự hỗ trợ thông tin từ các sứ quán để nắm bắt nhu cầu của khách hàng, từ đó giúp DN tham gia xuất khẩu tốt hơn tại EU.

Với những phản ánh của DN, hiệp hội, ông Nguyễn Văn Thảo - Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Đại diện thường trực tại Liên minh châu Âu (EU) cho rằng: Khi muốn tìm hiểu thị trường hay có các vấn đề phát sinh, vướng mắc thì DN nên đặt hàng cụ thể, giao việc cho các sứ quán. “Các DN phải có thông tin cụ thể, chi tiết từng vấn đề để đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại các nước có thể hỗ trợ, đối đáp, phản ảnh kịp thời với các cơ quan, đơn vị nước sở tại”, ông Thảo nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, thời gian tới, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ mới phải tăng cường trao đổi thông tin với các hiệp hội ngành hàng. Bởi lẽ hiệp hội có vai trò lan tỏa, thông qua hiệp hội các DN sẽ nắm rõ hơn về các thông tin, chính sách mới nhất tại thị trường các nước.

Ông Đặng Minh Khôi cũng đề nghị các hiệp hội, DN cần trao đổi cụ thể, chi tiết các vấn đề cần quan tâm hay phát sinh cụ thể để các cơ quan ngoại giao nắm rõ, phối hợp, hỗ trợ cho DN một cách tốt nhất.

Riêng với ngành thực phẩm tăng cường vào thị trường Hala, thời gian tới Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan, xây dựng trung tâm cấp phép Hala tại Việt Nam.

Quỳnh Anh, Văn phòng BCĐLNKT