Tin tức

Việt Nam được đánh giá đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư châu Mỹ trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt cơ hội phát triển mới, thích ứng và có chiến lược tiếp cận thị trường bài bản để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

Bên lề Diễn đàn hợp tác thương mại và công nghiệp với các đối tác châu Mỹ 2020 do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 25/9, tại Hà Nội, phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải xung quanh việc hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Mỹ.

3900-thu-truong-hai-copy
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Trong những năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực châu Mỹ đã không ngừng phát triển. Châu Mỹ liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng kim ngạch thương mại cao nhất trong các đối tác của Việt Nam. Xin Thứ trưởng cho biết những triển vọng thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên trong thời gian tới?

Như chúng ta biết, châu Mỹ là một thị trường rộng lớn với dân số hơn 1 tỷ dân. Hiện nay, hợp tác thương mại giữa Việt Nam - châu Mỹ có nhiều dấu hiệu khả quan. Đây cũng là một thị trường hết sức tiềm năng. Trong năm 2019, kim ngạch thương mại với các nước châu Mỹ đạt 97 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch toàn quốc. Trong đó xuất khẩu đạt 73 tỷ USD, chiếm 26,4% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với tất cả các nước trên thế giới. Hiện nay, những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như điện tử, các linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm gỗ cũng như mặt hàng nông sản, thực phẩm và rất nhiều các mặt hàng khác của Việt Nam có thể có chỗ đứng vững chắc và được người tiêu dùng của châu Mỹ đón nhận.

Ngoài ra, Việt Nam là thành viên của rất nhiều các tổ chức quốc tế như WTO, APEC... và cũng đã ký kết trực tiếp các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước tại châu Mỹ, như FTA với Chile, Cuba, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong CPTPP đã có 4 quốc gia thuộc châu Mỹ (Peru, Chile, Canada, Brazil)... do đó, đây là những cơ hội rất lớn đối với Việt Nam nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam nếu biết chớp cơ hội mà đưa được sản phẩm có thế mạnh, có chất lượng vào thị trường hết sức rộng lớn này.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới như hiện nay, đâu là những cơ hội và khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường này, thưa Thứ trưởng?

Covid-19 đã tác động đến các nền kinh tế trên toàn cầu, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đối với thị trường châu Mỹ, bước đầu các doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập được và thị trường này còn rất nhiều tiềm năng. Đây thực sự là cơ hội, nhất là khi Việt Nam đã tham gia rất nhiều các FTA với các quốc gia thuộc khu vực châu Mỹ. Quan trọng hơn, người dân châu Mỹ rất có thiện cảm với các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.

Với sự năng động, dũng cảm của doanh nghiệp Việt Nam và sự hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, trong đó các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, chắc chắn mặt hàng của Việt Nam khi vào thị trường châu Mỹ sẽ được phát triển và có chỗ đứng sâu hơn nữa. Từ đó, nâng cao vị thế, thương hiệu của sản phẩm Việt Nam cũng như thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường châu Mỹ.

Tuy nhiên, trở ngại của các doanh nghiệp Việt Nam khi tiến sâu vào thị trường châu Mỹ đó là khoảng cách xa xôi về địa lý. Hiện nay, chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam tới các quốc gia châu Mỹ, ngoài ra, ngôn ngữ cũng là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Bởi, ở châu Mỹ, phần lớn người dân nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa nắm được quy định về nhập khẩu hàng hóa, quy định về chất lượng an toàn thực phẩm và nhiều quy tắc đặc thù của thị trường này. Chính vì vậy, việc tìm hiểu về phong tục, tập quán, kinh nghiệm, kinh doanh, mặt hàng là hết sức quan trọng và cũng có thể nói là sống còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, để thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Mỹ, doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì và Bộ Công Thương đã có những hoạt động như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp?

Để hỗ trợ doanh nghiệp có thể thâm nhập sâu vào thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương tổ chức rất nhiều hoạt động để phổ biến kiến thức về thị trường, về sản phẩm; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho doanh nghiệp tổ chức các đoàn sang khảo sát thị trường cũng như gặp gỡ các đối tác tại các sự kiện xúc tiến thương mại cũng như trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp của các nước trong khu vực châu Mỹ để có thể thúc đẩy mối quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước.

Ngoài sự hỗ trợ của các bộ, ngành, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải chú trọng những mặt hàng có thế mạnh về xuất khẩu, như: các mặt hàng điện tử, các linh kiện điện tử, mặt hàng đồ gỗ và các sản phẩm gỗ, các sản phẩm nông sản và may mặc, da giày....

Ngoài ra, tiếp tục tìm thêm những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam mà hiện nay đã xuất khẩu sang các nước khác rất tốt, kể cả những thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản nhưng đối với thị trường châu Mỹ thì chúng ta mới chỉ bước đầu thâm nhập.

Hiện nay, thị trường châu Mỹ rất chuộng mặt hàng thực phẩm, đồ uống, trái cây... của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang gặp khó khăn trong việc kiểm dịch, tức là những quy định tại các quốc gia này, do vậy, trong khuôn khổ của các Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban liên Chính phủ giữa Việt Nam với các nước; trong các cuộc làm việc với sự tham gia của nhiều bộ, ngành khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ.... Bộ Công Thương cũng đã trao đổi với các cơ quan chức năng của các quốc gia tại khu vực châu Mỹ để tìm cách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường này.

Ngoài ra, lĩnh vực về công nghệ thông tin, máy tính, linh kiện điện tử cũng là những mặt hàng tiềm năng. Chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp trong lĩnh vực về công nghệ thông tin cần chủ động và thúc đẩy mạnh hơn nữa trong các hoạt động của mình để tăng lượng kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực này.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Cùng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, ổn định và phục hồi kinh tế của Chính phủ Việt Nam và các nước khu vực châu Mỹ, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Hợp tác thương mại và công nghiệp với các đối tác châu Mỹ, với mong muốn vượt qua khoảng cách địa lý, khoảng cách do dịch bệnh, để kết nối các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp hai bên, khắc phục khó khăn, tìm kiếm cơ hội để phát triển kinh doanh trong thời gian tới.

Thành Long, Văn phòng BCĐLNKT