Tin tức

Trong xu thế tăng cường liên kết khu vực và thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu, hợp tác và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng sẽ là cầu nối quan trọng để hải quan Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế, góp phần thúc đẩy ngoại thương và đảm bảo an ninh, tạo thuận lợi cho chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu.

Thành tựu hội nhập

Để thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh, an toàn quốc gia, ngành hải quan Việt Nam những năm vừa qua đã tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác hải quan đa phương như: Tổ chức Hải quan thế giới (WCO); Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM); Chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS). Việc tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương này đã góp phần nâng tầm vị thế của hải quan Việt Nam trên trường quốc tế.

Không chỉ hợp tác đa phương, trong khuôn khổ hợp tác song phương với các đối tác bên ngoài, hải quan Việt Nam cũng luôn duy trì và mở rộng quan hệ, hỗ trợ lẫn nhau với các nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực. Từ mối quan hệ hợp tác truyền thống với các nước, hải quan Việt Nam đã mở rộng hợp tác bình đẳng về lợi ích với hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua việc đàm phán, ký kết và triển khai các văn kiện hợp tác song phương với gần 40 điều ước và thỏa thuận quốc tế.

hai quan viet nam khang dinh vi the hoi nhap quoc te
Ký kết Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan. Ảnh minh họa

Để hiện đại hóa hoạt động hải quan, trong khuôn khổ hợp tác song phương, Hải quan Việt Nam đã tiếp nhận nhiều chương trình hỗ trợ kỹ thuật, dự án, đào tạo, qua đó đã tiếp cận, khai thác, nâng cao trình độ nghiệp vụ, hiện đại hóa, trang bị và sử dụng trang thiết bị hiện đại… phục vụ định hướng và triển khai hiện đại hóa hải quan Việt Nam ở các cấp độ, quy mô khác nhau.

Đặc biệt, giai đoạn 2015-2020, hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hải quan đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất, gắn liền với chiến lược phát triển và hiện đại hóa hải quan Việt Nam. Trong đó, các hoạt động hợp tác song phương ngày càng đa dạng, đi vào chiều sâu, tập trung vào các nước trọng điểm, có quan hệ đối tác chiến lược/toàn diện với Việt Nam, thực hiện có hiệu quả, thực chất, thiết thực, đáp ứng đúng nhu cầu phát triển và hiện đại hóa hải quan.

Bên cạnh duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác truyền thống với hải quan các nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tổng cục Hải quan đã tăng cường mở rộng hợp tác với hải quan các nước là đối tác/đối tác chiến lược/kinh tế thương mại quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, Anh, Ý, Nga, Hà Lan, Úc, New Zealand, Hàn Quốc… để trao đổi, thu thập thông tin, nâng cao nghiệp vụ, ký kết các hiệp định/thỏa thuận/bản hợp tác hải quan song phương. Điều này, không chỉ giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước khác, mà còn hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về hải quan ngày càng hiện đại và hiệu lực, hiệu quả.

Ở góc độ đa phương, hải quan Việt Nam đã chủ động hội nhập sâu, rộng cả ở cấp độ khu vực và thế giới như ASEAN, APEC, ASEM, GMS, WTO; tích cực tham gia đàm phán và triển khai các hiệp định thương mại tự do đa phương thế hệ mới như TPP, CPTPP... Trong quá trình hợp tác đa phương giai đoạn 2015-2020, hải quan Việt Nam đã dần dần chuyển từ việc chỉ thực thi nghĩa vụ thành viên, sang chủ động tích cực tham gia định hình cơ chế, thể chế hợp tác và luật chơi trên các diễn đàn khu vực và thế giới với vai trò và vị thế ngày càng quan trọng.

Hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành hải quan Việt Nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua biên giới, tăng cường thực thi pháp luật, đảm bảo an ninh, chủ quyền và lợi ích kinh tế quốc gia.

Tiếp tục hội nhập chiều sâu

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định, giai đoạn 2020-2025, hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành Hải quan sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, đòi hỏi phải có những chuyển biến mới, thiết thực, phục vụ trực tiếp cho công cuộc cải cách thủ tục hành chính, hài hòa hóa và hiện đại hóa hải quan. Dự kiến, trong giai đoạn này, ngành hải quan sẽ triển khai một loạt các cam kết hội nhập với hải quan khu vực và quốc tế như ASEAN, ASEM, APEC, WTO, WCO, các cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP cũng như cam kết hợp tác với một số đối tác song phương quan trọng như Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan, Trung Quốc...

Đặc biệt, trong bối cảnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng phát triển mạnh, cùng với việc hiệp định hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký và sẽ có hiệu lực trong năm 2020 sẽ mở ra các hoạt động hợp tác trao đổi thông tin thực chất và thường xuyên hơn giữa hải quan hai nước.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, giai đoạn 2020-2025, ngành hải quan sẽ tập trung thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hợp tác và hội nhập quốc tế theo hướng thực chất hơn; xây dựng hình ảnh hải quan Việt Nam đẹp, hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện trên trường quốc tế, có vị thế và vai trò được khẳng định trên các diễn đàn hội nhập đa phương. Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác song phương với các nước nhằm tận dụng tối đa thế mạnh của các nước trong việc hỗ trợ thực hiện các nhu cầu thực tiễn của hải quan Việt Nam.

Ngành hải quan cũng sẽ tận dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ về đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia trong từng lĩnh vực chuyên môn, tiến tới cọ sát và đáp ứng được các yêu cầu làm việc tại các tổ chức quốc tế. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, thực chất và hiệu quả các cam kết quốc tế đa phương và song phương. Tham mưu, đề xuất gia nhập, đàm phán xây dựng các chuẩn mực hải quan hiện đại, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới trong lĩnh vực hải quan vào thực tiễn tại Việt Nam. Tiếp tục tìm kiếm và khai thác tối đa nguồn viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật để đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan hiện đại, phát triển cơ sở hạ tầng trang thiết bị phục vụ phương thức quản lý hải quan hiện đại.

Tuyết Minh, Văn phòng BCĐLNKT