Tin tức

Việc phê chuẩn và hướng tới thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ trả lời phỏng vấn Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

EVFTA đang chờ Quốc hội phê chuẩn trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, xin ông cho biết đánh giá về vai trò của Bộ Công Thương trong quá trình chuẩn bị đàm phán, đi đến ký kết EVFTA?

evfta buoc chuyen trong hoi nhap quoc te

EVFTA là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có thời gian đàm phán kéo dài gần 10 năm, phải thương thảo với nhiều đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 quốc gia, và hiện nay không kể Anh là 27 quốc gia. Vì thế các vấn đề liên quan, cam kết trong EVFTA có rất nhiều nội dung phải trao đi đổi lại, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng bằng sự nỗ lực của Chính phủ, vai trò chủ đạo Bộ Công Thương chúng ta đã ký kết được Hiệp định.

Cũng cần phải nhấn mạnh thêm, để có kết quả này Chính phủ, Bộ Công Thương đã phải trải qua nhiều khó khăn bởi trong nội bộ EU thời gian qua có những xáo trộn, khó khăn trong việc tìm ra sự thống nhất. Hiện ở châu Á chỉ có 3 quốc gia ký FTA với EU là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Do đó, EVFTA được ký kết càng khẳng định sự quyết tâm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp, EVFTA có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Việt Nam, thưa ông?

Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có FTA với EU. Có thể nói, EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

EVFTA thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu (XK) của Việt Nam vào EU - một khu vực thị trường yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa và chiếm tới 16% tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng trong nước có thể tiếp cận được hàng hóa châu Âu với giá cả và chất lượng tốt. DN trong nước có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có thể giúp chúng ta thu hút được dòng vốn đầu tư từ EU với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Tuy vậy, để tận dụng được các cơ hội này, trong quá trình thực thi EVFTA, đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi kinh doanh… để tiếp cận các dòng đầu tư thuận lợi nhất.

evfta buoc chuyen trong hoi nhap quoc te
EVFTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tác động mạnh đến thị trường XK của Việt Nam.

Thưa ông, những giải pháp nào cần thực hiện để các FTA nói chung, EVFTA nói riêng đi vào thực thi có hiệu quả?

Để tận dụng hiệu quả EVFTA nói riêng và các FTA nói chung chúng ta cần xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật cần ban hành, đồng thời đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến về những cơ hội mà các FTA mang lại.

Thời gian qua, hoạt động tuyên truyền với vai trò chủ đạo của Bộ Công Thương đã đổi mới và có sự lan tỏa. Tuy nhiên, hoạt động này cần triển khai rầm rộ hơn ở các cấp. Cụ thể, không chỉ bộ máy công quyền, nhà nước mà cả các DN cũng cần phải hiểu, nắm rõ quy định từ các FTA, từ đó hỗ trợ DN một cách hiệu quả nhất.

Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi thị trường EU đang rơi vào khủng khoảng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Việt Nam cần thể hiện là người bạn đồng hành với EU trong việc chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm soát dịch bệnh, chia sẻ trang thiết bị, dụng cụ y tế...

Về vấn đề hoàn thiện thể chế, Bộ Công Thương và các bộ, ngành phải có sự chuẩn bị để đề nghị Quốc hội hoàn thiện các văn bản dưới luật, phải xây dựng lộ trình sửa hệ thống luật pháp một cách đồng bộ, tạo điều kiện triển khai thực thi EVFTA được thông suốt.

Ông có thể nói rõ hơn về các cơ hội của DN khi EVFTA được thực thi?

EVFTA được thông qua giống như “liều thuốc bổ trợ”, giúp DN tăng sức đề kháng, chống lại tác động của dịch Covid-19. Tuy vậy, để biến cơ hội thành kết quả, DN cần tranh thủ cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng hàng hóa, đồng thời tận dụng được lợi ích từ các ưu đãi thuế mà chúng ta cam kết.

Quỳnh Anh, Văn phòng BCĐLNKT