Tin tức

Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Sự kiện này được nhận định là bước quan trọng để hai bên tiến đến giai đoạn cuối cùng cho việc kích hoạt hiệu lực của Hiệp định EVFTA.  

Ngay sau khi Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ về ý nghĩa của sự kiện kinh tế, thương mại quan trọng này.

bo truong tran tuan anh nghi vien chau au thong qua evfta khang dinh viet nam la doi tac dang tin cay uy tin
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Thưa Bộ trưởngNghị viện châu Âu (EP) vừa chính thức bỏ phiếu phê chuẩn, thông qua Hiệp định EVFTA, vậy xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của sự kiện này, đặc biệt là đối với việc tiến tới thực thi hiệp định?

Đây là tin rất tốt lành, tích cực cho Việt Nam cũng như Liên minh châu Âu (EU) và cho cả toàn cầu hóa dựa trên nền tảng của các tổ chức thương mại.

Trước hết, đối với EU đây gần như là bước đi cuối cùng cho việc hoàn thành quy trình thủ tục pháp lý, không chỉ cho việc phê chuẩn hiệp định thương mại quan trọng mà EU đã ký với một nước đang phát triển và là số hiếm hoi các nước có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao mà còn là bước đi cuối cùng để kết thúc quá trình đàm phán kéo dài giữa Việt Nam - EU.

Như chúng ta đã biết, tiến trình để đi đến ký kết hiệp định được khởi sự từ năm 2010 khi lãnh đạo hai bên tuyên bố đàm phán hiệp định và chính thức bắt đầu đàm phán từ năm 2012. Trong thời gian kéo dài gần 8 năm đó, khối lượng công việc, nội dung được đề cập cũng như những vấn đề hai bên và các nhà đàm phán phải xử lý là khổng lồ. Ngay bản thân về quy trình pháp lý sau khi hoàn tất các nội dung đàm phán và nhiều công việc chúng ta phải làm tiếp là rất lớn. Vì vậy, đây là sự kiện rất có ý nghĩa khi hai bên đã bước vào giai đoạn cuối cùng để kích hoạt cho Hiệp định có hiệu lực. Song, hiệp định còn phải đợi sự thảo luận, phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào kết quả tốt đẹp tương tự như vậy trong phiên họp Quốc hội sắp tới.

Thứ hai, Hiệp định EVFTA gồm những nội dung có yêu cầu cao, khác biệt so với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác như CPTTP nên không đơn thuần là giảm hoàn toàn hàng rào thuế quan về 0 cho gần như 100% hàng hóa của hai bên mà những nội dung của hiệp định còn hàm chứa những hoạt động cải cách của hai bên để tạo môi trường thuận lợi minh bạch, công khai cho sự phát triển thuận lợi đối với các hoạt động của cả nền kinh tế, xã hội chứ không chỉ cho riêng hoạt động kinh tế, thương mại.

Và rõ ràng, đối với các nước trong EU, Việt Nam chính là bài toán thử cho một mô hình mới về Hiệp định thương mại tự do giữa EU - gồm 28 quốc gia ở trình độ phát triển cao hơn nhiều so với một nước đang phát triển, nhưng đang rất nhất quán trong mở cửa, cải cách của mình.

Qua quá trình đàm phán thực hiện các quy trình pháp lý để có kết quả bỏ phiếu thông qua của Nghị viện châu Âu cho thấy, các Chính phủ, các nghị sỹ đại diện cho tiếng nói nhân dân EU đều rất quan tâm đến không chỉ những lợi ích trong hợp tác với Việt Nam về mặt kinh tế, thương mại mà còn có cả yếu tố quan trọng khác như môi trường, lao động, cải cách, phát triển bền vững; năng lực thực thi của Việt Nam trong hàng loạt cam kết rất sâu, rộng. Chính vì vậy, chúng ta có quyền tự hào trước kết quả của việc Nghị sỹ châu Âu bỏ phiếu, khẳng định Việt Nam thực sự là đối tác đáng tin cậy, có uy tín của một thực thể quan trọng như EU cả bên lập pháp, hành pháp.

Thứ ba, trong thời điểm của bối cảnh năm 2020 đang có diễn biến khó dự đoán, hay xu thế chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, của phân lập, đơn phương đang gây khó khăn, cản trợ hoạt động kinh tế, thương mại toàn cầu, hội nhập của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển thì việc Nghị viện châu Âu và sắp tới Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA - nghĩa là chúng ta đã có công cụ, cơ sở để xâm nhập vào thị trường 18 nghìn tỷ USD, đồng thời hình thành, xây dựng chuỗi giá trị mới với sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức thương mại, đối tác hai bên trên cơ sở kết hợp của thị trường thương mại, thị trường vốn, công nghệ…

Bên cạnh đó, việc chúng ta có Hiệp định thương mại tự do với EU đã chứng minh chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, mang lại những lợi ích to lớn, nhất là để đảm bảo lợi ích quốc gia trong tất cả các lĩnh vực; đảm bảo những mối quan hệ hợp tác bền vững, mang tính chiến lược, đóng góp chung cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Như tính toán của các nhà nghiên cứu, Hiệp định EVFTA ngay lập tức sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho kinh tế Việt Nam, cho doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam. Dự tính, mức đóng góp vào tăng trưởng GDP là hơn 2,2% vào những năm đầu tiên, nhưng có thể tăng lên rất cao vào năm 2030, 2035 khoảng 4-5%... Mặc khác, việc Việt Nam đang chứng minh vai trò, vị thế trên trường quốc tế khi trở thành thành thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN thì kết quả này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị thế của mình. Đặc biệt, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Hiệp định EVFTA sẽ nâng cao vai trò của Việt Nam trong quan hệ EU- ASEAN, và tầm ảnh hưởng của Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể, Việt Nam trở thành nước có trách nhiệm, đi đầu trong chiến lược hội nhập, tham gia toàn cầu hóa một cách có hiệu quả.

Vậy, sau quá trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA của Nghị viện châu Âu, bước đi tiếp theo của Việt Nam để tiến tới thực thi Hiệp định là như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Hiện EU đã làm xong những phần việc của mình, riêng Việt Nam còn nhiều việc phải gấp rút thực hiện, triển khai, trong đó phải chờ thảo luận, phê chuẩn của Quốc hội. Hiện hồ sơ của Hiệp định EVFTA đã được chuẩn bị để được trình Quốc hội xem xét, thông qua. Và như vậy, hai bên sẽ có điều kiện thực hiện các phần việc cuối cùng để Hiệp định được thực thi, hiệu lực dự kiến vào tháng 7,8/2020.

Có thể nói, chỉ trong thời gian ngắn, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, tổ chức của hai bên sẽ được hưởng lợi kịp thời từ Hiệp định. Nhưng để làm được những điều đó, sau khi Hiệp định thông qua, chúng ta phải triển khai hàng loạt các vấn đề. Trước hết phải có chương trình hành động của Chính phủ, thể hiện thống nhất triển khai trong hệ thống, từ các bộ, ngành; triển khai nhiệm vụ trước mắt và trong dài hạn. Đặc biệt, trong điều hành phát triển kinh tế, xã hội, chúng ta không chỉ tập trung tái cơ cấu kinh tế để tiếp tục có năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp tham gia thị trường EU mà cần phải xây dựng phát triển thị trường trong nước, đảm bảo, bảo vệ hiệu quả, lợi ích của nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực thi cam kết hội nhập. Chương trình hành động của chúng ta cũng sẽ là cơ sở để EU phối hợp, giám sát việc thực thi Hiệp định.

Tiếp theo, nhiệm vụ ưu tiên cao nhất thời gian tới là phải phổ biến kiến thức pháp luật, cung cấp thông tin về Hiệp định, chương trình hành động về các nội dung cam kết cụ thể liên quan tới từng ngành, hiệp hội ngành hàng, từng hệ thống tổ chức, đặc biệt là doanh nghiệp, người dân. Vì vậy, khối công việc mà Chính phủ, Bộ Công Thương phải thực hiện là rất nặng nề, cần quyết liệt triển khai ngay. Đồng thời, cần sự vào cuộc không chỉ các Bộ ngành, mà cả chính quyền địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp. Đến cuối năm 2020 chúng ta sẽ chứng kiến hàng loạt nội dung vừa thực hiện, vừa rà soát cùng một lúc; trong đó để các địa phương, doanh nghiệp tổ chức tiếp cận nội dung, cam kết, điều khoản hiệu quả chúng ta phải đổi mới nội dung tuyên truyền, phổ biến Hiệp định.

Năm 2020 Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 300 tỷ USD nhưng ngay từ đầu năm chúng ta đã phải đối mặt thử thách lớn từ dịch bệnh nCoV, hiện giao thương với đối tác lớn là Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng. Do đó, sự kiện này chứng minh tính đúng đắn của chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa về quan hệ chính trị cũng như kinh tế, thương mại; đồng thời đây là biện pháp giúp chúng ta vượt qua khó khăn hiện nay về thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản, thủy sản vốn phụ thuộc các thị trường trong khu vực.

Việc Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định đánh một dấu mốc quan trọng, song chúng ta cũng đã nhận diện được các cơ hội lẫn thách thức cụ thể ra sao, thưa Bộ trưởng?

EU là một thực thể 28 quốc gia phát triển ở trình độ cao, quy mô thị trường lớn trên tất cả các lĩnh vực, điều này cũng phù hợp với chủ trương, mục tiêu phát triển của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự bổ trợ cho nhau về khía cạnh kinh tế, thương mại và các lĩnh vực khác, trong khi tính cạnh tranh ít thì hai bên đều có được lợi ích lớn, bền vững đặt trong tổng thể hiệp định.

Hiện EU là thị trường lớn, nhưng thị phần của Việt Nam tại EU chưa đang kể, trong khi các ngành hàng của Việt Nam như: Dệt may, da giày, nông sản, thủy sản, đồ gỗ… đều có cơ hội phát triển, chiếm lĩnh thị trường tại EU. Và chắc chắn, việc Hiệp định EVFTA được phê chuẩn chúng ta sẽ có đối tác toàn diện, trong đó với công nghệ, vốn đầu tư của EU sẽ giúp ích cho Việt Nam hình thành chuỗi cung ứng mới tại EU và toàn cầu, thông qua đó năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, các ngành công nghiệp sẽ có điều kiện cải thiện rất mạnh mẽ.

Quy mô xuất khẩu Việt Nam sang EU rất nhanh với 41,5 tỷ USD năm 2019, nhập khẩu 14,91 tỷ USD nhưng quy mô, dư địa phía trước vẫn rất lớn, với ưu đãi thuế quan 0% cho gần 100% hàng hóa, hàng rào kỹ thuật thông thoáng… sẽ đảm bảo cho các ngành hàng tiếp cận toàn diện thị trường EU.

Tuy nhiên, áp lực đang đặt ra không hề nhỏ. Trước tiên là khối lượng công việc lớn, sự bất đối xứng trong phá triển liên quan đến cam kết sâu rộng, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng rà soát, sửa đổi pháp luật cần sự nỗ lực, thời gian. Mặt khác, trình độ phát triển chênh lệch lớn, nhất là về quản trị, năng lực của doanh nghiệp nên nếu không có biện pháp phát triển mạnh mẽ thì việc khai thác cơ hội là cả một khoảng cách xa so với thực tế. Bài học hội nhập từ nhiều quốc gia cho thấy, nếu không có chính sách, khai thác tối đa nội lực cho doanh nghiệp phát triển thì sẽ thành nạn nhân của mở cửa, trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa nước ngoài. Vì vậy, những cải cách của Chính phủ hướng tới môi trường liêm chính, công khai minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục đẩy nhanh, mạnh hơn ở mức độ mới; các chính sách phải đảm bảo sự kịp thời, hiệu quả, phù hợp mục tiêu phát triển và cam kết hội nhập.

Ngoài raviệc tham gia các Hiệp định thương mại tự do đã chứng minh hiệu quả khi tạo được năng lực phát triển của nền kinh tế, sự phát triển của đất nước, cải thiện điều kiện sống của người dân. Nhưng cũng cho thấy nếu không có chính sách, những quan điểm toàn diện thì hội nhập sẽ tạo ra hố phát triển không bền vững giữa các khu vực địa lý, kinh tế. Do đó, cần phải bám sát chủ trương của Đảng là không để ai bị bỏ lại phía sau đối với các đối tượng dễ bị tác động, tổn thương trong quá trình hội nhập.

Hiện chúng ta đang đứng trước áp lực lớn là trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ đang phát triển, các nhân tố bất ổn của kinh tế thế giới bắt buộc chúng ta phải khai thác hiệu quả bằng biện pháp, hành động kịp thời để đảm bảo lợi ích quốc gia. Do đó, các bộ ngành phải phát huy trách nhiệm, tiếp tục tái cơ cấu, tổ chức lại bộ máy, hệ thống để đảm bảo lợi ích của các đối tác chịu ảnh hưởng của hội nhập.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thu Hiên, Tạp Chí Cộng sản