Tin tức

Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu ÂU (EVFTA và IPA) sẽ là những Hiệp định đầu tiên được Nghị viện châu Âu mới xem xét phê chuẩn, mở ra vận hội mới cho doanh nghiệp và người dân. Trong không khí đón chào năm mới 2020, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti đã có những chia sẻ lạc quan về hợp tác giữa Việt Nam và EU.

Thưa Đại sứ, ông có tin rằng, EVFTA và IPA sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn trong phiên bỏ phiếu toàn thể tới đây? Nếu các Hiệp định được thông qua và đi vào thực thi như dự kiến, Đại sứ trông đợi gì vào những kết quả hợp tác của hai bên?

van hoi moi trong hop tac viet nam eu
Nhiều nhà đầu tư châu Âu thành công tại Việt Nam

Việc ký kết EVFTA và IPA đánh dấu mốc quan trọng cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU. Mối quan hệ của Việt Nam và EU vô cùng tốt đẹp trong thời điểm hiện tại. Với những thế mạnh vốn có của mình, Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư EU.

EVFTA và IPA sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hiện tại lên một tầm cao mới vì lợi ích của người dân, nền kinh tế của Việt Nam và EU khi được thực thi đầy đủ.

Được biết, về phía Việt Nam, hai thỏa thuận sẽ được đệ trình Quốc hội để thảo luận và thông qua trong phiên họp Quốc hội tiếp theo vào tháng 5/2020. Bên cạnh đó, các thỏa thuận sẽ được Nghị viện châu Âu xem xét tại Hội nghị toàn thể vào mùa Xuân năm 2020. Đây sẽ là những Hiệp định đầu tiên được bầu chọn bởi Nghị viện châu Âu mới, do đó các thỏa thuận này sẽ thu hút nhiều sự chú ý. Là chi nhánh điều hành của các tổ chức EU, chúng tôi hy vọng Hiệp định sẽ được phê chuẩn nhưng tất nhiên mọi chuyện còn tùy thuộc vào phiếu bầu của Nghị viện châu Âu.

Thỏa thuận này có thể nói là cơ hội có một không hai cho cả doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam. Nó sẽ đưa các nhà xuất khẩu của EU ít nhất ngang hàng với các quốc gia và khu vực khác mà Việt Nam đã ký kết các FTA, như ASEAN, Australia, New Zealand, Chile, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Điều này sẽ mang đến cơ hội kinh doanh mới cho các nhà xuất khẩu nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ từ EU mà trước giờ vẫn bị hạn chế bởi các rào cản thương mại hiện có. Việt Nam cũng sẽ lần lượt được hưởng những đặc quyền vào thị trường EU (trên cơ sở tương tự như Hàn Quốc và Singapore). Người tiêu dùng và các công ty ở EU và Việt Nam sẽ có được lợi ích từ sự gia tăng sẵn có của các sản phẩm và đầu vào.

van hoi moi trong hop tac viet nam eu
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti

Theo khảo sát từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và tại cuộc đối thoại giữa Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (ACAPR) và EuroCham, các doanh nghiệp châu Âu đều tỏ ra khá lạc quan về EVFTA và IPA. Đại sứ nghĩ sao về điều này?

Các kết quả tích cực của cuộc khảo sát không làm tôi ngạc nhiên. Tôi đã có cơ hội nói chuyện với khá nhiều doanh nhân châu Âu và họ cũng đã chia sẻ với tôi những cảm xúc lạc quan của họ về EVFTA và IPA. Các thỏa thuận có ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp. Và, các công ty của chêu Êu àaä tham gia àêìy đủ với EVFTA kể từ những ngày đầu tiên đàm phán.

Khi hai bên đang tiến tới hoàn thiện quy trình quan trọng này trong tự do hóa thương mại, cộng đồng doanh nghiệp hoàn toàn đúng đắn khi có những kỳ vọng cao về hai hiệp định. Một khi các thỏa thuận được đưa ra, nó thực sự nằm trong tay các doanh nghiệp cả châu Âu và Việt Nam để tận dụng tối đa cơ hội mới.

Trong cuộc gặp gỡ mới đây với báo chí, Đại sứ có nói đến những ưu tiên chính trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam. Đại sứ có thể chia sẻ thêm về điều này, và những ưu tiên đó sẽ được triển khai như thế nào?

Mục tiêu của EU là trở thành một nền kinh tế không phát thải các - bon vào năm 2050. Vì lý do đó, EU đang hỗ trợ thực hiện các dự án liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững. Các dự án này tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Một trong các dự án đó là sản xuất tôm bền vững, công bằng và phát triển chuỗi giá trị tại Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án hướng tới phát triển chuỗi giá trị tôm thông qua áp dụng các tiêu chuẩn bền vững và nâng cao hiệu quả sản xuất như tiết kiệm nước, giảm phát thải, sử dụng hiệu quả năng lượng và thức ăn.

Một ví dụ nữa là dự án mở rộng các sáng kiến về Ethical Biotrade (dược liệu thân thiện với môi trường) trong ngành dược phẩm ở Việt Nam, nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như cải thiện việc chế biến tại nguồn trong chuỗi giá trị.

Kết quả và thành tựu của hai dự án trên còn là minh chứng cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và môi trường bền vững thật sự là mối quan hệ win-win. Ngoài các dự án này, chúng tôi cũng hỗ trợ Bộ Công Thương Việt Nam xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia mới về sản xuất và tiêu dùng bền vững (2021-2030) để các sáng kiến đó có thể đưa vào khuôn khổ quốc gia trong tương lai.

Vậy, liệu sẽ có một sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư lớn hơn nữa từ EU đổ vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao không, thưa Đại sứ?

EU là nhà đầu tư lớn thứ năm của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tính đến cuối tháng 11/2019, EU đã có tổng số vốn FDI khoảng 24 tỷ USD với hơn 2.400 dự án. Điều này rất có ý nghĩa và càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam đang cần vốn và công nghệ tiên tiến, trong khi EU có thế mạnh về hai khía cạnh này. Tuy nhiên, những con số này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của hai bên.

Xét về sự tương quan lợi thế giữa EU và Việt Nam, vị trí chiến lược của Việt Nam tại châu Á, nỗ lực của Việt Nam hướng tới hội nhập mạnh mẽ với các thị trường khác trong ASEAN và châu Á, thì các thỏa thuận thương mại và đầu tư được mong đợi sẽ thúc đẩy chia sẻ sản xuất giữa EU và châu Á khi các công ty từ EU thành lập trung tâm sản xuất và xuất khẩu tại Việt Nam. Những cải cách mà Việt Nam đồng ý thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm sự minh bạch trên thị trường mua bán, cũng sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến ưu tiên đầu tư của EU.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Xuân Hải, theo Báo Công Thương