Tin tức

Có thể nói, cuộc đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các nước trong khu vực ASEAN đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết khi mới đây, các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... đã kiến tạo những gói hỗ trợ công ty nước ngoài muốn chuyển khỏi Trung Quốc. Trước xu hướng này, việc nâng cao khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam càng cấp bách hơn bao giờ hết.

Cạnh tranh hút vốn FDI

Theo báo cáo đầu tư quốc tế World Investment Report 2019, tổng số các dự án FDI toàn cầu được công bố trong ngành dịch vụ đã tăng 43%, lên 473 tỷ USD; ngành xây dựng tăng 84%, lên 113 tỷ USD. Năng lượng cũng có mức tăng cao trong đầu tư FDI, nhất là tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Sự tăng trưởng FDI trong khu vực ASEAN chủ yếu tập trung tại các nước Việt Nam, Singapore, Indonesia và Thái Lan. Các nhóm ngành sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là tài chính, bán lẻ và thương mại bán buôn, bao gồm cả nền kinh tế kỹ thuật số… tiếp tục tăng lên. Báo cáo cũng cho thấy, Việt Nam hiện đang đứng thứ 21 về lượng vốn FDI trên toàn thế giới. Xét riêng trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3, sau Singapore (đứng thứ 5 toàn cầu) và Indonesia (đứng thứ 18 toàn cầu).

Để đón các cơ hội dịch chuyển đầu tư FDI, một số quốc gia trong khu vực đã thực hiện chương trình hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư phù hợp với nhu cầu của từng nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác nhau. Chẳng hạn, Văn phòng Kinh tế Công nghiệp (Bộ Công nghiệp Thái Lan) hiện đang đẩy mạnh quá trình cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài, giảm thuế nhiều hơn, đặc biệt là ngành công nghiệp mũi nhọn, để tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư. Chính phủ Thái Lan cũng đặt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài 24,5 tỷ USD trong năm 2019, chú trọng vào các công ty muốn chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc.

Indonesia cũng đang tiếp tục áp dụng các biện pháp thu hút vốn FDI và được đánh giá là thị trường có cơ hội đầu tư tốt nhất ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2019.

Cần môi trường đầu tư cạnh tranh cao

Tại Việt Nam cũng đang diễn ra sự chuyển dịch của dòng vốn FDI. Trong 9 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26 tỷ USD. Đánh giá của TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho thấy, làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước bắt đầu từ năm 2016, tăng nhanh trong năm 2018 - 2019. Tuy nhiên, thu hút FDI là cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia, vì vậy, Việt Nam phải tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, cạnh tranh tốt hơn các nước xung quanh mới thu hút FDI hiệu quả.

Ông Shinji Hirai - Trưởng đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên những chiến lược trong thu hút FDI giai đoạn tới. Đó là dự án công nghệ cao, công nghệ của tương lai, các dự án của tập đoàn lớn. Không chỉ số lượng mà chất lượng, hiệu quả của dòng vốn FDI sẽ nâng lên một bậc, góp phần giúp Việt Nam có thể ghi thêm điểm cạnh tranh trong thu hút FDI với các quốc gia trong khu vực.

Bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham) tại TP. Hồ Chí Minh:

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nên rất cần phải đặt ra những tiêu chí nâng cao năng lực, tạo môi trường đầu tư thật sự cạnh tranh, chính sách thông thoáng và nhất quán.

Nguồn: Tuyết Minh, Văn phòng BCĐLNKT