Tin tức

Ngày 03/11, các nhà lãnh đạo ASEAN đã bước vào ngày họp thứ hai tại Thái Lan với hy vọng sẽ có một bước đột phá trong các cuộc đàm phán RCEP để giúp loại bỏ các điểm yếu đã kìm hãm nền kinh tế toàn cầu kể từ khi cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu. 

Từ 7 năm nay, các nhà đàm phán đã thảo luận về một hiệp định thương mại tự do rộng lớn kéo dài từ Ấn Độ đến New Zealand.

Cuộc chiến thương mại của Washington với Bắc Kinh đã đè nặng lên các thị trường mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã từng cảnh báo, cuộc chiến này có thể cắt giảm tăng trưởng toàn cầu xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến một số quốc gia ASEAN lo ngại vì sợ nền kinh tế của họ có thể rơi vào tầm ngắm thuế quan. Trump đã nhiều lần cảnh báo về sự can thiệp sâu hơn để bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ và một số quốc gia châu Á đang chờ đợi để biết liệu Washington sẽ đưa họ vào danh sách theo dõi các nhà thao túng tiền tệ hay không.

hoi nghi cap cao asean tim kiem dot pha trong cac cuoc dam phan rcep
Các nhà lãnh đạo tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đưa ra ý kiến, khối khu vực có thể chống lại bất kỳ biện pháp thương mại trừng phạt nào. Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha lặp lại chủ đề hợp tác khu vực về RCEP, hy vọng sẽ có một báo cáo rất tích cực về RCEP vào ngày 04/11 - khi hội nghị cấp cao của năm 2019 khép lại. Nhưng việc ký kết hiệp định sẽ chỉ diễn ra trong vòng năm tới với cuộc họp vào tháng 2 để dàn xếp các vấn đề còn lại liên quan đến mở cửa thị trường. Ấn Độ đang gây trở ngại lớn nhất cho RCEP hiện tại. New Delhi lo ngại mở các ngành công nghiệp chính như kim loại, dệt may và sữa để nhập khẩu Trung Quốc rẻ hơn. Sự không khoan nhượng của Ấn Độ đã khiến thỏa thuận RCEP bị nghi ngờ. Trung Quốc ủng hộ RCEP như một cách để khẳng định sự ưu thế thương mại ở châu Á sau khi Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.

Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra trong bối cảnh sự thúc đẩy của Washington và Bắc Kinh về một thỏa thuận giai đoạn 1, nhằm dẹp bỏ một số thuế quan áp dụng đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ đô la đã làm náo loạn cả hai nền kinh tế cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế toàn cầu.

Việt Dũng, Báo Công Thương