Tin tức

Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ là ba đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ là ba đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, chiếm 41,2% tổng kim ngạch thương mại của nước này trong quý I/2018. 

Trong quý I/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt mức 6.750 tỷ NDT ( 1 USD = 6,27 NDT), tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo người phát ngôn GAC Hoàng Tụng Bình (Huang Songping), nguyên nhân dẫn tới xu hướng tăng trưởng thương mại tương đối nhanh kể trên xuất phát từ sự phục hồi nhẹ của kinh tế toàn cầu (động lực thúc đẩy các hoạt động thương mại) cũng như sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước (động lực thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu). 

Ngoài ra, những tiến triển vững chắc trong công tác triển khai “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) cùng với xu hướng gia tăng thương mại với các thị trường mới nổi cũng là những nhân tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng khả quan trong quý I/2018.

Ông Hoàng Tụng Bình cho biết kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia nằm trên tuyến BRI trong ba tháng qua đạt 1.860 tỷ NDT, chiếm 27,5% tổng kim ngạch ngoại thương của nước này. 

Cũng theo người phát ngôn GAC, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các hoạt động ngoại thương, đóng góp 38,3% trong tổng kim ngạch thương mại của toàn bộ nền kinh tế, tăng 1,7 điểm phần trăm so với quý I/2017.

Bên cạnh đó, các khu vực kém phát triển của nước này, bao gồm miền Trung và phía Tây của Trung Quốc, đều đạt tốc độ tăng trưởng thương mại cao hơn so với mức bình quân trên toàn quốc. 

Ông Hoàng Tụng Bình cho rằng sức ép và những thách thức đối với nền kinh tế thế giới cũng như thương mại quốc tế trong quý II/2018 sẽ trở nên lớn hơn do những bất ổn trên toàn cầu và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ. Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực chế tạo công nghiệp trên toàn cầu cũng sẽ gây ra nhiều thách thức đối với các hoạt động ngoại thương của Trung Quốc.

Tuy nhiên, người phát ngôn GAC hy vọng lĩnh vực ngoại thương của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi lên bởi Trung Quốc đã cam kết triển khai các giải pháp thúc đẩy mở cửa thị trường và mở rộng hoạt động nhập khẩu.

Nguồn: Anh Tuấn,Văn phòng BCĐLNKT