Tin tức

Nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, trong số các thành viên ASEAN, Philippines là nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi đó Việt Nam ít bị thiệt hại nhất, theo hãng tin Bloomberg.

Các tuyên bố áp thuế nhập khẩu đáp trả lẫn nhau Mỹ và Trung Quốc ngày ngày càng leo thang khiến nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này ngày càng gia tăng. Một cuộc chiến tranh thương mại như vậy không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế hai nước này mà còn cả nền kinh tế toàn cầu, bao gồm các nước ASEAN.

Theo Ngân hàng RHB (Malaysia), trong số các nước ASEAN, Philippines có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì 16,9% giá trị hàng hóa xuất khẩu của Philippines là một phần của chuỗi giá trị Trung Quốc, tức những mặt hàng hàng xuất sang Trung Quốc để làm nguyên liệu đầu vào, phục vụ hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế đông dân nhất thế giới. Trong khi đó, con số này ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan lần lượt là 11,4% và gần 11%. Việt Nam, với tỷ lệ 2,2%, được xem là ít chịu thiệt hại nhất nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% với hàng ngàn mặt hàng của Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất đối với nhiều nền kinh tế Đông Nam Á và cũng là nguồn đầu tư quan trọng trong khu vực.

Các nhà hoạch định chính sách khắp Đông Nam Á đang tập trung củng cố thị trường trong nước để giúp giảm bớt những hậu quả không mong muốn nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung biến thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.

Trong khi các thị trường trong nước rộng lớn ở Indonesia và Philippines có thể giúp các nền kinh tế của họ giảm bớt tác động từ một cuộc chiến tranh thương mại bên ngoài, các nền kinh tế khác trong khu vực như Singapore, Malaysia và Thái Lan lại phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều hơn.

Hôm 5-4, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg khi đang dự một cuộc họp ở Singapore, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Veerathai Santiprabhob cho rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ gây ra những tác động khắp toàn cầu dù tác động trực tiếp đến GDP của các nước Đông Nam Á vào giai đoạn hiện nay mới ở mức tổi thiểu

Bà Indrawati nói tăng trưởng GDP của Indonesia chủ yếu dựa vào sức tiêu thụ trong nước, do vậy, chính phủ Indonesia đang hướng đến mục tiêu tăng cường đầu tư nội địa để đa dạng hóa các nguồn lực giúp nền kinh tế tăng trưởng, chứ không tập trung vào xuất khẩu.

Bà cho rằng Mỹ và Trung Quốc nên giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thay vì dựng các hàng rào thuế quan nhằm vào hàng hóa của nhau.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan Veerathai Santiprabhob cho biết, quốc gia này đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Ông nói các động thái trả đũa lẫn nhau của hai nước này là điều đáng lo ngại nhưng cho đến nay, tác động trực tiếp của chúng đến nền kinh tế Thái Lan không đáng kể.

Ông Santiprabhob nói Ngân hàng Trung ương Thái Lan đang nỗ lực kiểm soát đồng baht tăng giá để không làm suy yếu khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.“Chúng tôi phải can thiệp để bảo đảm rằng tốc độ tăng giá của đồng baht không gây tổn hại cho nền kinh tế”, ông nói.

Phát biểu trước quốc hội Malaysia hôm 5-4, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed nói nước này đang đề nghị Mỹ miễn áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm của Malaysia. Malaysia đã đề xuất tổ chức cuộc họp với các quan chức thương mại Mỹ vào ngày 17-4 tới để tìm kiếm một thỏa thuận.

Trong khi đó, hôm 6-4, người phát ngôn Bộ Công Thương Singapore cho biết Chính phủ đang giám sát các diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Người phát ngôn lưu ý rằng Trung Quốc và Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước bao gồm Singapore, do vậy, các biện pháp áp thuế nhập khẩu trả đũa lần nhau giữa hai nước này sẽ tác động tiêu cực đến các chuỗi cung cấp quốc tế cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu.

Nguồn: Tuyết Minh, Văn phòng BCĐLNKT