Tin tức

Các FTA có hiệu lực đang đặt doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam trước sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nước ngoài ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới.

Cạnh tranh gay gắt

Tại Diễn đàn Nâng cao sức cạnh tranh hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các FTA thế hệ mới do Bộ Công Thương tổ chức ngày 29/10, ông Nguyễn Khoa Đức Anh – Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Giải pháp Tài chính Khách hàng - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chỉ rõ, cơ hội mà EVFTA đem lại sẽ "song hành" cùng khó khăn và thách thức.

Doanh nghiệp Việt Nam: Thay đổi để thích ứng "cuộc chơi"
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ Công Thương đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và hàng hóa Việt

Cụ thể, áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài trên thị trường Việt Nam ngày càng lớn. Ngoài EVFTA, Việt Nam cũng đã mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo một số cam kết FTA khác (ví dụ trong ASEAN, trong CPTPP…) qua đó, mở đường cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam hoặc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cạnh tranh với các doanh nghiệp tài chính Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu của khách hàng đối với giao dịch tài chính ngày càng cao, không chỉ dừng lại ở giá mà đòi hỏi mức độ phong phú về dịch vụ, chất lượng dịch vụ. Việt Nam đã gỡ bỏ dần các hạn chế đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài, đặt các doanh nghiệp tài chính Việt Nam trong thế bắt buộc phải cạnh tranh bình đẳng hơn để thu hút khách hàng.

Doanh nghiệp Việt Nam: Thay đổi để thích ứng cuộc chơi
Ông Nguyễn Khoa Đức Anh: "Áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài trên thị trường Việt Nam ngày càng lớn"

“Việc ứng dụng công nghệ trong các dịch vụ tài chính đặt ra thách thức trong bảo mật thông tin, quản trị và bảo vệ an toàn dữ liệu thông tin. Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam có trình độ công nghệ không quá mạnh, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này cũng không thể lớn so với các đối thủ nước ngoài nên đây thực sự là một thách thức không dễ vượt qua” - ông Nguyễn Khoa Đức Anh nêu rõ.

Khó khăn của Vietinbank là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện trong bối cảnh các FTA đang được thực thi.

Doanh nghiệp Việt Nam: Thay đổi để thích ứng cuộc chơi
Bà Lê Việt Nga cho biết hàng Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh mạnh với hàng hóa nhập khẩu

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đơn cử, với thị trường EU, trong giai đoạn hậu dịch Covid-19, hàng chất lượng cao từ EU sẽ gia tăng tại thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, ngành thực phẩm sẽ rất cạnh cạnh với hàng nhập khẩu từ EU, hiện không khó để tìm mua các loại trái cây ngoại như táo, nho, lê, cherry, việt quất, cam… trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên khắp Việt Nam.

Về xuất khẩu, bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) chia sẻ, các FTA đã và đang gia tăng sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế và doanh nghiệp; đòi hỏi sự tuân thủ luật chơi theo tiêu chuẩn cao để tận dụng được cơ hội và hạn chế tranh chấp thương mại ví dụ như phải thực hiện nghiêm túc quy định về quy tắc xuất xứ để ngăn chặn gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp, không để Việt Nam trở thành sân sau cho các nước khác lợi dụng để xuất khẩu vào các thị trường dành ưu đãi theo FTA cho Việt Nam.

“Các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA cũng đặt ra yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn. Không thể phủ nhận, tham gia vào các FTA này, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan (mức cao nhất lên đến 99% số dòng thuế), tuy nhiên song song với điều này, xu hướng bảo hộ, việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, bảo vệ môi trường ngày càng cao, các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại thị trường các nước tham gia FTA với Việt Nam sẽ có xu hướng gia tăng, đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp, ảnh hưởng tới khả năng tận dụng thuế quan” - bà Ngọc nhấn mạnh.

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, một trong những thách thức lớn của ngành dệt may hiện nay là doanh nghiệp đang yếu về nguyên phụ liệu. Việt Nam mạnh về may nhưng nguyên phụ liệu phải nhập khẩu rất lớn. Khi EVFTA được thực thi, các quy định xuất xứ là từ vải trở đi là điểm nghẽn rất lớn với doanh nghiệp dệt may.

Nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp và hàng hóa Việt

Trước bối cảnh khó khăn chung, với vai trò là một cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực Công Thương, Bộ Công Thương và các bộ ngành đã, đang và sẽ triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam: Thay đổi để thích ứng "cuộc chơi"

Đơn cử, bà Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ, Vụ sẽ hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước châu Mỹ và châu Âu. Hiện Vụ đang phối hợp với các đối tác nước ngoài như Bộ Ngoại giao Canada để thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững - Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thực thi CPTPP” cho hơn 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Tới đây, Vụ Âu – Mỹ sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên sâu về CPTPP đối với từng thị trường Chile, Mexico, Peru, diễn đàn thương mại Việt Nam – Đông Âu (tập trung vào các nước có FTA với Việt Nam như LB Nga, Séc, Bungari…).

Ngoài ra, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng định kỳ và báo cáo đột xuất để cập nhật kịp thời thông tin thị trường các nước có FTA, đưa ra những nhận định và phân tích chuyên sâu, giúp Bộ và các đơn vị hữu quan có những đối sách phù hợp, đồng thời đánh giá được hiệu quả mà những FTA này đem lại cũng như những bất lợi phát sinh (nếu có). Các Thương vụ cũng vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế cũng như doanh nghiệp nước ngoài tham gia các sự kiện tổ chức tại Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, bà Lê Việt Nga - nêu rõ, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020; Các chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Các chương trình xúc tiến thương mại trong nước; Các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài...

"Tuy nhiên, cùng với hỗ trợ các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh" - bà Lê Việt Nga cho biết.

Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh vị thế "sân nhà".

Theo đó, bà Lê Việt Nga nêu ví dụ, việc phân phối sản phẩm như thế nào cũng là một chiến lược cạnh tranh quan trọng nhằm giữ vững thị trường nội địa hơn 100 triệu dân. “Hiện tại, các doanh nghiệp thực phẩm như Vissan, Ba Huân, Saigon Food… đang rất tích cực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Điển hình như Vissan vừa qua đã mở rộng thêm các kênh bán hàng trực tuyến, giúp khách hàng yên tâm và thoải mái chọn mua các sản phẩm của công ty; đa dạng chủng loại hàng hóa lên gấp rưỡi”, bà Nga nêu cụ thể và cho biết thêm, với lĩnh vực rau quả, việc thúc đẩy sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP… cũng như nỗ lực đưa hàng vào các hệ thống kênh phân phối nội địa đang được địa phương, doanh nghiệp sản xuất tích cực đẩy nhanh.

Đánh giá về những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Việt Hồng - Phó Ban Phụ trách Ban kinh tế Xúc tiến thương mại - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu rõ: “Khi doanh nghiệp không thể tham gia các hoạt động onsite, theo xu hướng chung, Bộ Công Thương, đặc biệt là Cục Xúc tiến thương mại đã rất nỗ lực phối hợp, lắng nghe các ý kiến đóng góp tích cực, xây dựng các chương trình từ xúc tiến thương mại phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”.

Đó là xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến như meeting zoom, business matching online, phê duyệt các chương trình xuất khẩu trên kênh thương mại điện tử B2B danh tiếng như Alibaba, Global Sources... khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm online để trau dồi kinh nghiệm. Đặc biệt tham khảo các hiệp hội ngành hàng, đơn vị chủ trì qua công văn số 7368 về góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung TT11-2019/ TT- BCT. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được các đơn hàng, duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam: Thay đổi để thích ứng cuộc chơi
Ông Lương Văn Thắng chia sẻ kinh nghiệm chiếm lĩnh thị trường

Là một trong những thương hiệu đã gắn bó lâu đời với người tiêu dùng Việt, không chỉ chinh phục tốt thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt Tiệp chia sẻ kinh nghiệm: hiện hàng năm, công ty nghiên cứu và cho ra đời 10 - 15 sản phẩm mới và sản phẩm cải tiến, thiết kế sang trọng, hiện đại. Đến thời điểm hiện tại, Khóa Việt-Tiệp đưa ra thị trường hơn 300 mẫu sản phẩm với những cải tiến nổi bật về chất lượng, mẫu mã, bao bì, đồng thời giảm được chi phí sản xuất. Là sản phẩm của hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuấn quốc tế ISO 9001:2015, tiêu chuẩn Kaizen 5s… nên Khóa Việt-Tiệp luôn đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng thông minh, tự động hóa nhằm tăng chất lượng và năng suất, quản lý chuyên nghiệp hơn, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng.

Doanh nghiệp Việt Nam: Thay đổi để thích ứng "cuộc chơi"
Bà Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại diễn đàn

Về phía Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTWMTTQ) Việt Nam, bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTWMTTQ, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nêu rõ, nếu như giai đoạn trước, Cuộc vận động tuyên truyền theo hướng hướng đến vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam thì giai đoạn này sẽ hướng tuyên truyền sang các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phát huy trách nhiệm của UBTWMTTQ trong việc thực hiện phản biện xã hội để hoàn thiện các chính sách, điều luật, các văn bản phù hợp, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp Việt hiện đang gặp phải.

“UBTWMTTQ cũng sẽ cố gắng cùng các bộ, ngành triển nghiên cứu để tên cuộc vận động không gây suy nghĩ người Việt Nam dành ưu ái cho hàng Việt Nam mà người tiêu dùng sẽ tự hào khi dùng sản phẩm của người Việt Nam” - bà Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Thu Hiên, Tạp chí cộng sản