Tin tức

Cùng điểm lại 10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2019, có tác động lớn đến quan hệ giữa các nước và kinh tế toàn cầu do Báo Công Thương bình chọn.

1. Thương chiến Mỹ Trung đã bước sang năm thứ hai với nhiều thuế quan trả đũa đầy kịch tính và tuyên bố đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ “giai đoạn 1”. Ngày 12/12 đã trở thành thời điểm “bước ngoặt” khi Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ “giai đoạn 1” với bản văn kiện dài 86 trang, mở ra hy vọng chấm dứt cuộc chiến thương mại đã kéo dài gần hai năm khiến thị trường thế giới chao đảo. Cùng với thỏa thuận sơ bộ này, Mỹ và Trung Quốc đã có những động thái bước đầu trong việc cắt giảm và miễn trừ thuế quan mới đối với hàng hóa của nhau, góp phần khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, nhà sản xuất và các nhà xuất, nhập khẩu.

10 su kien kinh te the gioi noi bat nam 2019
Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ "giai đoạn 1"

2. Thỏa thuận Brexit được Nghị viện Anh thông qua sau 3 năm bế tắc, mở ra con đường tươi sáng hơn cho việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 31/1/2020. Sau những thăng trầm và bất ổn, con đường để nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sau hơn 40 năm gắn bó đang trở nên tươi sáng hơn khi chính phủ của Đảng Bảo thủ cầm quyền do Thủ tướng Boris Johnson dẫn đầu đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử nghị viện ngày 12/12, mở ra cơ hội lịch sử cho dự luật thỏa thuận Brexit được thông qua tại Nghị viện mới vào ngày 20/12. Diễn tiến thuận lợi của Brexit và chính phủ Anh trong năm 2019 đã mang lại những hy vọng mới về sự ra đi rõ ràng hơn cho nước Anh, cũng như mối quan hệ tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu.

3. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hoàn tất 20 chương văn kiện sau 6 năm đàm phán kéo dài, dù Ấn Độ đã quyết định dừng lại vào phút cuối. Sau nhiều lần lỡ hẹn, ngày 4/11 đã thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới khi tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3, các nhà lãnh đạo của các nước đàm phán RCEP đã tuyên bố hoàn tất đàm phán hiệp định, khép lại 6 năm ròng rã và bước vào giai đoạn rà soát pháp lý để ký kết hiệp định trong năm 2020.

4. Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO - tòa án thương mại hàng đầu thế giới đã bị tê liệt. Ngày 10/12, Cơ quan phúc thẩm của WTO với tính chất là tòa án cấp cao về thương mại thế giới đã chính thức tê liệt sau gần 2 năm đứng trước nguy cơ sụp đổ do không được bổ nhiệm các thẩm phán mới. Sự thất bại trong việc thuyết phục Mỹ rút lại quyền phủ quyết, ngăn chặn bổ nhiệm nhân sự cho cơ quan phúc thẩm WTO đã khiến cho hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức đa phương bị lung lay nghiêm trọng. Cùng với đó, hàng loạt các phán quyết về các vụ kiện thương mại quan trọng sẽ không được thực hiện.

5. Năm 2019 chứng kiến các thương chiến mở rộng và leo thang cuốn theo sự tham gia của nhiều nền kinh tế vào vòng xoáy xung đột. Có lẽ chưa khi nào trong thế giới kinh tế hiện tại, làn sóng bảo hộ thương mại trỗi dậy mạnh mẽ như vậy khi hàng loạt các quốc gia trên thế giới bị cuốn vào vòng xoáy xung đột thương mại, bắt đầu từ cuộc chiến mà Mỹ khởi xướng với Trung Quốc. Thương chiến đã lan rộng tới khu vực châu Á cùng với nguy cơ xuất hiện các gian lận thương mại theo hướng phức tạp và khó lường hơn…

6. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị Cấp cao APEC tại Chile bị hủy bỏ do những bất ổn trong nước. Tháng 11/2019, Chile gây bất ngờ khi tuyên bố hủy bỏ tổ chức Hội nghị Cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) mà không có kế hoạch dự phòng, làm các thị trường hụt hẫng vì nơi đây trước đó đã được chọn là nơi hòa giải giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sau cuộc đàm phán đối mặt lần thứ 13 ở Washington.

7. Đối thoại hợp tác thông qua các Hiệp định thương mại tự do vẫn là xu hướng chủ đạo với sự tham gia của các nước ở tất cả các châu lục. Bên cạnh sự đối đầu giữa các cường quốc về thương mại, không thể phủ nhận rằng xu hướng thiết lập các Hiệp định thương mại tự do (FTA) vẫn là xu hướng thiết yếu. Năm 2019, cùng với thỏa thuận Mỹ - Trung luôn được mong đợi, Mỹ đã ký thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn 1 với Nhật Bản, hứa hẹn thiết lập thỏa thuận với Anh và Liên minh châu Âu, bước đầu phê chuẩn hiệp định Mỹ Mexico - Canada nhằm thay thế khối thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sau gần 1/4 thế kỷ. Liên minh châu Âu cũng đã ký FTA với khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và các hiệp định song phương mới với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

8. Khu vực Đông Bắc Á nổi lên là điểm nhấn trồi sụt và thất thường của tổng thể các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại từ lịch sử đến hiện tại và tương lai. Đã có lúc các quốc gia Đông Bắc Á gieo niềm hy vọng về những dấu hiệu tích cực đối với sự hòa bình cả về chính trị và kinh tế, nhưng năm 2019 cho thấy rõ những cơn “giông tố” bất ngờ nổi lên đặc biệt với sự leo thang căng thẳng thương mại Nhật - Hàn. Trong khi đó, quá trình đàm phán FTA ba bên Trung - Nhật - Hàn diễn tiến chậm chạp và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết.

10 su kien kinh te the gioi noi bat nam 2019
Làn sóng FTA vẫn là chủ đạo

9. ASEAN và Hàn Quốc tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm hợp tác nhằm nâng tầm mục tiêu thương mại hai chiều trong năm 2020. Ngày 25, 26/11, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc đã được tổ chức tại thành phố cảng Busan (Hàn Quốc) nhằm củng cố và thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác thương mại giữa các bên khi ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 5 của ASEAN. Cùng với mục tiêu chung là thúc đẩy ký kết hiệp định RCEP, ASEAN và Hàn Quốc sẽ nâng tầm quan hệ thương mại hai chiều đạt kim ngạch 200 tỷ USD vào năm 2020.

10. Thị trường thịt lợn thế giới chao đảo và đứng trước nguy cơ “vỡ trận” khi giá tăng cao kỷ lục do sự tàn phá của dịch tả lợn châu Phi. Năm 2019, chứng kiến các thị trường lớn về xuất nhập khẩu thịt lợn trở thành tâm điểm của dịch tả lợn châu Phi, dẫn đến gián đoạn và thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng mà lớn nhất là tại Trung Quốc. Dù có những lựa chọn thay thế khác nhưng do sự phổ biến của mặt hàng này nên dự báo, sức “nóng” của thị trường thịt lợn thế giới sẽ kéo dài sang năm 2020.

Theo Thành Long, Văn phòng BCĐLNKT