Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn- Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) khi trao đổi với DĐDN về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam theo cam kết CPTPP.
Ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, việc cam kết giảm thuế nhập khẩu trong khuôn khổ CPTTP về cơ bản không có nhiều thay đổi so với trước.
- Xin ông cho biết, lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam theo cam kết CPTPP sẽ được thực hiện như thế nào?
Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP thì 11 nước còn lại đã đồng thuận đưa ra hiệp định mới là CPTPP. Theo đó, những gì các nước đã cam kết với Hoa Kỳ thì nay đã bỏ đi, như vậy về cơ bản không có xáo trộn. Tuy nhiên, cũng có nước nhân cơ hội này đề xuất xem xét lại mức thuế suất của một số mặt hàng mà họ có lợi thế. Nhưng rất may Việt Nam không có cái đó, bởi vì trong quá trình đàm phán chúng ta đã thống nhất được với các nước và tôn trọng cam kết chính sách nhất quán về giảm thuế như với TPP. Do đó, doanh nghiệp không nên lo lắng nhiều.
Đơn cử, nếu thuế nhập khẩu bình quân của Việt Nam áp dụng với các mặt hàng của 11 nước CPTTP nhập khẩu vào Việt Nam tính trong năm 2017 (kỳ gốc) là 2,9%, thì theo cam kết đến năm 2030 chỉ còn 0,1%. Trong khi đó, với cam kết TPP (12) thì thuế nhập khẩu bình quân của Việt Nam ở thời điểm kỳ gốc 2017 là 3,2% và đến năm 2030 sẽ giảm xuống còn 0,1%. Con số này nói lên rằng, hiện tại thuế nhập khẩu bình quân gia quyền của CPTPP đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam thấp hơn thuế nhập khẩu bình quân gia quyền của TPP, nhưng đến năm 2030 thì thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ 11 nước hay 12 nước (TPP) cũng sẽ cắt giảm mạnh, chỉ còn 0,1%.
- Ông có thể nói cụ thể hơn lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với từng nhóm mặt hàng của Việt Nam?
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành 10 Nghị định về biểu thuế nhập khẩu đặc biệt ưu đãi để áp dụng cho các hiệp định tự do thương mại (FTA). Trong đó, có 7 biểu thuế theo các hiệp định gồm: Việt Nam- Hàn Quốc; Việt Nam- Liên minh Kinh tế Á- Âu; ASEAN- Hàn Quốc; ASEAN- Trung Quốc; ASEAN-Australia, New Zealand; Việt Nam – Chile bắt đầu áp dụng từ ngày 1 đến 31/12 của năm bắt đầu từ năm 2018 đến 2022. Bên cạnh đó, với 3 biểu thuế còn lại theo các hiệp định: Việt Nam – Nhật Bản; ASEAN – Nhật Bản; ASEAN - Ấn Độ sẽ có lộ trình riêng. Trong 10 Nghị định này có điểm lưu ý là, từng mặt hàng sẽ có cam kết lộ trình là năm nào áp dụng và với mức thuế trong từng Biểu thuế đối với Hiệp định sẽ là bao nhiêu.
Để được hưởng trọn vẹn ưu đãi của Chính phủ, các doanh nghiệp trong nước cần đặc biệt quan tâm đến chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Bởi nguyên tắc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi phải đi từ gốc là hàng hóa được xuất xứ từ đâu để áp biểu thuế tương ứng với hàng nhập khẩu từ nước đó.
Bên cạnh đó, các Nghị định này có mấy vấn đề cần khuyến cáo, một là thuế suất đặc biệt ưu đãi; hai là thuế suất trong hạn ngạch và ngoài hạn ngạch thuế quan. Điều này có nghĩa là có những mặt hàng cần bảo hộ trong nước thông qua hạn ngạch thuế quan thì khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ có mức thuế thấp đối với số lượng hàng hóa trong hạn ngạch và áp dụng mức thuế cao với số lượng nhập khẩu ngoài hạn ngạch. Nguyên tắc chung là mức thuế thấp ngoài hạn ngạch sẽ được áp dụng theo quy định của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu. Việc điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu trong hay ngoài hạn ngạch sẽ phụ thuộc vào điều hành của Chính phủ, tùy theo cân đối thị trường trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, có mấy điểm doanh nghiệp cần quan tâm: Thứ nhất, một mặt hàng nào đó với mã số HS cụ thể phải nằm trong biểu thuế ưu đãi đặc biệt kèm theo Nghị định quy định đối với từng khu vực, còn với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác sẽ áp dụng theo mức chung của WTO (Ví dụ, mặt hàng ô tô xuất xứ ASEAN có mức thuế 0% từ 2018 vì trong cam kết ASEAN có mặt hàng này. Trái lại, với ô tô có xuất xứ từ Nhật Bản hay Mỹ thì năm 2018 chúng ta không thể áp 0% vì cam kết với Nhật và Mỹ khác với cam kết ASEAN).
Thứ hai, hàng hóa phải được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu vào Việt Nam.
Thứ ba, mặt hàng này phải được sản xuất tại nước có ký FTA với Việt Nam.
Thứ tư, hàng hóa nhập khẩu đó phải có giấy tờ chứng nhận xuất xứ (C/O).
- Vậy có bao nhiêu mặt hàng được hưởng mức thuế 0% từ 2018, thưa ông?
Trong 10 biểu thuế này, lợi nhất là biểu thuế trong cam kết Liên minh kinh tế Á- Âu, trong hơn 10.000 dòng thuế, có đến 5.535 dòng được về 0%, tức là phải cắt giảm nhanh nhất ngay từ năm 2018. Đặc biệt cần lưu ý ở đây là từ khu vực này chủ yếu lợi thế đối với nguyên liệu đầu vào dùng cho xuất khẩu. Những doanh nghiệp được hưởng lợi là ngành dệt, may, da giày, linh kiện điện tử, nhựa nguyên liệu và lúa mỳ. Ngoài ra, có 3.720 dòng thuế tuy chưa về 0% nhưng chúng ta vẫn tiếp tục cắt giảm về 0% trong những năm tới.
Đứng thứ 2 về lợi thế là hàng hóa có xuất xứ Nhật Bản vì biểu thuế Việt Nam- Nhật Bản có 3.426 dòng về 0% áp dụng từ 01/4/2018; còn nếu so với biểu thuế năm 2017 thì năm 2018 có đến 6.201 dòng thuế có mức thuế thấp hơn.
Đứng thứ 3 về lợi thế là hàng hóa nhập khẩu trong biểu thuế Việt Nam – Chile, năm 2018 giảm 4.113 dòng thuế so với năm 2017 và trong 4.113 dòng này có đến 2.742 dòng về 0% từ năm 2018.
Đây là những biểu thuế tiêu biểu, còn với biểu thuế ASEAN năm 2018 thì gần như không thay đổi vì chúng ta đã cam kết cắt giảm thuế nhanh và giảm sâu từ nhiều năm trước đây.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Mạnh Tiến, Bộ Thông tin và Truyền thông