Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, CPTPP có hiệu lực thì mức độ cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn ở cả 3 cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.
Đây được xem một trong những Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Tham gia Hiệp định sẽ mang đến nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức đối với nước ta. Do đó, để tận dụng cơ hội từ CPTPP mang lại, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế là vấn đề cần phải được thực hiện nhanh chóng.
Với Hiệp định CPTPP ngành da dày có cơ cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, bởi trong số 11 nước tham gia vào CPTPP thì có đến 10 nước là thị trường xuất khẩu tiềm năng. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội rất lớn cho lĩnh vực da dày phát triển. Các dòng thuế, đặc biệt là đối với sản phẩm da giày, túi xách đều về 0%- đây là cơ hội lớn để gia tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội da giày- túi xách Việt Nam thì đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thì khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu thông qua việc nắm bắt các luật chơi mới còn hạn chế. Thêm vào đó, là sự thiếu hụt về nguồn vốn, nhân lực… dẫn đến việc mở rộng quy mô sản xuất sẽ còn khó khăn.
Bà Phan Thị Thanh Xuân nêu thực tế: "Cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường tiếp cận chính sách để tập trung phát triển hơn còn hạn chế vì với ngành da giày tuy sản phẩm tốt nhưng nguyên phụ liệu vẫn còn yếu. Mà 1 trong những nguyên tắc xuất khẩu khi tham gia CPTPP là chúng ta phải đáp ứng được 55% giá trị nội địa. Tuy nhiên, với doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu về tài chính và nguồn nhân lực nên tự chủ trong nội địa hóa da giày túi xách còn hạn chế".
Không chỉ có ngành da giầy mà ngay cả nhiều ngành khác, trong đó có ngành nông nghiệp cũng đang vấp phải nhiều khó khăn do chưa có những chủ động, thay đổi của các doanh nghiệp. Bởi vì khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ phải mở cửa theo cam kết cho các đối tác, cũng như phải thực hiện các nghĩa vụ về thể chế và quy tắc trong Hiệp định, yêu cầu khắt khe về chất lượng.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, tham gia CPTPP chúng ta đang gặp khó khăn về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các hàng nông sản do các yêu cầu “nghiêm ngặt” từ các thành viên tham gia Hiệp định.
"Khó khăn lớn nhất cho nông sản nước ta là chất lượng và an toàn thực phẩm, vì trong CPTPP có 2 khối là khối các nước phát triển thì yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch cao. Các nước ASEAN cũng là thị trường nhưng yêu cầu không cao như các nước trong CPTPP. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đề xuất các tiêu chuẩn về nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi , đảm bảo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông thủy sản Việt Nam" - ông Lê Thanh Hòa nhận định.
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, tham gia CPTPP đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Điều này đang tạo ra sức ép trong bối cảnh năng lực cạnh tranh quốc gia và của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, đó là trình độ phát triển của nước ta được xem là thấp nhất trong khối CPTPP…
Ông Phạm Mạnh Cổn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty TNHH ElTex Việt Nam cho rằng, để tận dụng các cơ hội doanh nghiệp rất cần nắm bắt được các thông tin cụ thể từ Hiệp định.
Theo ông Cổn: "Khi hội nhập, tham gia vào CPTTP thị trường rất mở song là thách thức lớn. Do đó muốn phát triển thì doanh nghiệp bắt buộc phải có định hướng nhất định, vì vậy, nên có cẩm nang cho doanh nghiệp bởi hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa hiểu biết nhiều về CPTTP. Có những hướng dẫn sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin nhằm xây dựng chiến lược của mình một cách sát nhất với thực tiễn".
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam không bị bất ngờ khi tham gia vào CPTPP bởi trong suốt 10 năm đã chuẩn bị cho việc tham gia vào hiệp định thương mại quan trọng này. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, chúng ta đã đã có các bộ luật khá tốt như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công… Điều này cho thấy, đất nước đã có sự chuẩn bị về mặt thể chế, cải thiện môi trường đầu tư để khai thác tốt nhất lợi thế so sánh... Tuy nhiên, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế để tận dụng tối đa những cơ hội cũng như hạn chế những thách thức.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khuyến nghị: "Từ nay đến khi chính thức thực thi Hiệp định Việt Nam cần xây dựng kế hoạch về hội nhập CPTTP được Quốc hội thông qua và sau đó cụ thể hóa thành các Nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ và trên tinh thần đó từng bộ ngành, địa phương, các hiệp hội sẽ cụ thế hóa hơn nữa vào các hoạt động của mình để hình thành một tổng thể quốc gia, kế hoạch giải pháp và các mục tiêu. Chúng ta phải rà soát các Luật bao gồm Luật về lao động, doanh nghiệp … để thực hiện quá trình điều chỉnh cho phù hợp".
Các chuyên gia cũng cho rằng, để tận dụng những lợi thế của Hiệp định CPTPP, cộng đồng doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, xây dựng chiến lược bài bản. Đẩy mạnh việc nâng cấp các yêu cầu bảo vệ sở hữu trí tuệ, cũng như năng lực thể chế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong quá trình tham gia CPTPP. Tiếp tục đổi mới, đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất lao động. Qua đó, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Do đó, việc cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam càng phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để tạo sức bật cho phát triển./.
Nguồn: Mạnh Tiến, Bộ Thông tin và Truyền thông