Tin tức

Tại Kỳ họp 47 Ủy ban liên Chính phủ hợp tác song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra 6 giải pháp để hợp tác thương mại, năng lượng hai nước thêm đột phá.

Ba dấu ấn nổi bật năm 2024

Sáng ngày 9/1, tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào.

Tham dự Kỳ họp có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam Phết Phom-phi-phắc cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và nhiều Bộ trưởng, Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 6 giải pháp để hợp tác thương mại, năng lượng Việt - Lào thêm đột phá
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì Kỳ họp 47 Ủy ban liên Chính phủ hợp tác song phương. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong năm 2024, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hai nước và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương liên quan, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Lào, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào tăng cường hợp tác và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cụ thể:

Thứ nhất, thương mại song phương tăng trưởng đột phá.

Năm 2024 đánh dấu mốc son đầy ấn tượng trong hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Lào. Lần đầu tiên thương mại Việt Nam - Lào vượt mốc 2 tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương đạt 2,2 tỷ USD, tăng 33,9% so với năm 2023. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế và thương mại của các nước trong khu vực vẫn gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là mua bán điện tiếp tục được đẩy mạnh với những kết quả cụ thể.

Tính đến hết tháng 12/2024, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu từ nguồn điện tại Lào với công suất 4009,5 MW. Trong đó, EVN đã ký 20 hợp đồng mua bán điện từ 27 nhà máy điện tại Lào với tổng công suất 2490 MW (bằng 83% công suất cam kết mua điện từ Lào đến năm 2025).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 6 giải pháp để hợp tác thương mại, năng lượng Việt - Lào thêm đột phá
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo các bộ, ngành tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 6 giải pháp để hợp tác thương mại, năng lượng Việt - Lào thêm đột phá
Để đưa hợp tác song phương Việt Nam – Lào lên một tầm cao mới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất 6 giải pháp

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hợp tác thương mại, khoáng sản và năng lượng giữa Việt Nam và Lào.

Về thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào đã hoàn tất đàm phán và ký Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào. Hai bên đã hoàn thành các thủ tục phê duyệt Hiệp định và hiện Việt Nam đang chờ công hàm của phía Lào khẳng định ngày hiệu lực của Hiệp định.

"Việc đàm phán và ký kết Hiệp định góp phần tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu và nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại giữa hai nước" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và khẳng định.

Về năng lượng, khoáng sản, hai bên hoàn tất đàm phán và hôm nay sẽ ký Hiệp định giữa hai Chính phủ về mua bán than và điện.

Về than, Hiệp định xác định khối lượng mua bán than giữa hai bên trong trung hạn cũng như cơ chế xác định giá mua bán than tham chiếu giá than thế giới để tạo thuận lợi cho mở rộng đầu tư khai thác than, đầu tư cơ sở hạ tầng vận chuyển, logistics, cảng biển...

Về mua bán điện, Hiệp định đưa ra khung giá mua điện từ Lào sau năm 2025 và công suất mua điện từ Lào đến 2030. Hiệp định này sẽ tạo khuôn khổ pháp lý và nền tảng thuận lợi cho việc tăng hợp tác thương mại than và mua bán điện giữa hai bên.

6 giải pháp và nhiều triển vọng cho mua bán than, điện, khoáng sản

Trong năm 2025, để đưa hợp tác song phương Việt Nam - Lào lên một tầm cao mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đã đề xuất 6 giải pháp.

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc và thực hiện các quan điểm chỉ đạo của hai đồng chí Thủ tướng tại phiên họp toàn thể ngày hôm nay về hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực thương mại, khoáng sản và năng lượng.

Thứ hai, khẩn trương đưa các Hiệp định đã ký kết đi vào thực thi. Trên cơ sở Hiệp định Mua bán than, điện ký kết hôm nay, được sự cho phép của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các tập đoàn, Tổng công ty Việt Nam triển khai ký kết các hợp đồng mua bán than dài hạn với nhà cung cấp phía Lào. Đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty Việt Nam bàn ngay với đối tác phía Lào để thống nhất chỉ số giá than thế giới để tham chiếu thống nhất cho các hợp đồng mua bán than.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường giao thông, cửa khẩu, kho tàng, băng tải than ở cả Việt Nam và Lào để tạo thuận lợi nâng cao khối lượng mua bán than.

Thứ tư, nghiên cứu khảo sát, xem xét khả năng xây dựng các cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hoặc hình thức phù hợp về hợp tác thương mại và công nghiệp dọc tuyến biên giới giữa Việt Nam và Lào.

Thứ năm, phối hợp nghiên cứu về khả năng hợp tác và tính khả thi xây dựng các kho chứa xăng dầu bên phía Lào tại khu vực giáp biên giới Việt Nam bằng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào.

Thứ sáu, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ Lào tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam sang Lào khai thác khoáng sản, đầu tư điện gió, mặt trời, nhiệt điện để xuất khẩu trở lại Việt Nam hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, từ ngày 9-10/1 theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone. Bộ trưởng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại kỳ họp và Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật.

Đi cùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng trong Bộ Công Thương như: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập về kinh tế quốc tế, Văn phòng Bộ, Báo Công Thương...

Năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam - Lào ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng gần 34% so với năm 2023. Đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại song phương hai nước vượt mốc 2 tỷ USD, vượt xa mục tiêu do Chính phủ hai nước đề ra trước đó, là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của cả hai nước.

Nguyễn Minh, Từ Viêng Chăn, Lào