Bộ Tài chính đề xuất, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong thực hiện FTA Việt Nam - Israel sẽ giảm dần từ nay đến năm 2027.
Dự thảo Nghị định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel giai đoạn 2024-2027 (VIFTA) đang được Bộ Tài chính hoàn thiện.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Hiệp định VIFTA đã được ký kết vào ngày 25/7/2023 và đến ngày 5/1/2024, Chính phủ đã có Nghị quyết số 08/NQ-CP phê duyệt Hiệp định Thương mại tự do giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Nhà nước Israel (Hiệp định VIFTA). Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng dự thảo Nghị định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định VIFTA giai đoạn 2024-2027 (theo Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN) 2022 hiện hành).
Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Nghị định này nhằm thực hiện đúng cam kết của Việt Nam tại VIFTA; đồng thời, đảm bảo tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết; trong đó bao gồm việc tuân thủ Hiệp định Hải quan ASEAN (Điều 19 Hiệp định Hải quan ASEAN) về việc áp dụng Danh mục AHTN 2022 của ASEAN và Danh mục HS phiên bản 2022 của Tổ chức Hải quan thế giới để thực thi Hiệp định VIFTA (Danh mục AHTN 2022 được áp dụng cho giai đoạn 2024-2027).
Cũng theo Bộ Tài chính, việc xây dựng Nghị định cũng tuân thủ đúng quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016 về thẩm quyền ban hành các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.
Nghị định này cũng đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Hải quan số 54/2014/QH13, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Đồng thời, tuân thủ nguyên tắc xây dựng thuế suất khi chuyển đổi trong Hiệp định VIFTA, đảm bảo lợi ích và bảo lưu cam kết thuế quan của Việt Nam.
Theo Dự thảo của Nghị định, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với 11.387 dòng thuế ở cấp độ 8 số và 59 dòng hàng theo AHTN 2022 cấp độ 10 số (tổng số là 11.446 dòng hàng có thuế).
Về mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt: Thuế suất trung bình các dòng cam kết tại năm 2024 là 10,3%, năm 2025 là 9,3%, năm 2026 là 8,4% và năm 2027 là 7,5%.
Thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với một số mặt hàng thuộc nhóm hàng 04.07; 17.01; 24.01; 25.01 chỉ áp dụng trong hạn ngạch thuế quan; danh mục và lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm theo quy định của Bộ Công Thương và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy định tại Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu.
Điều kiện áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VIFTA sẽ tương tự quy định tại các Nghị định của Chính phủ về biểu thuế của Việt Nam để thực hiện các FTA hiện hành.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định này cũng quy định các điều kiện để hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VIFTA. Các điều kiện gồm: Thuộc biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; được nhập khẩu vào Việt Nam từ Nhà nước Israel và đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hoá và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của Hiệp định VIFTA và các quy định hiện hành.
Theo Bộ Tài chính, việc chuyển đổi biểu thuế được thực hiện để đảm bảo tuân thủ cam kết tại Hiệp định VIFTA, Danh mục AHTN 2022 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Thuế suất ban hành trong Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo Lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong Hiệp định VIFTA. Lộ trình cắt giảm thuế quan trong Biểu thuế được áp dụng cho từng năm, bắt đầu từ ngày 1/12/2024 (ngày có hiệu lực của Hiệp định) đến hết ngày 31/12/2027.
Riêng đối với mặt hàng thuốc lá thuộc nhóm 2404, đây là mặt hàng nhạy cảm, do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ áp dụng chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tương tự với các mặt hàng thuốc lá thuộc Chương 24 theo cam kết của mã hàng 2403.99.90 theo AHTN 2017 (không cam kết cho tới cuối lộ trình). Cơ sở đề xuất như trên với Hiệp định VIFTA là việc Hiệp định này không có cơ chế rà soát và thống nhất chuyển đổi trước khi triển khai.
Hoàng Giang: Báo Công Thư
Hiệp định VIFTA gồm 15 chương và một số phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản như: Thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý - thể chế...
Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai Bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại với tỷ lệ tự do hoá tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế, hai Bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới. Không chỉ góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa chiều, VIFTA được kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ…
Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.
Ở chiều ngược lại, bên cạnh thị trường trên 100 triệu dân của Việt Nam, hàng hóa và công nghệ của Israel có cơ hội tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trong 16 FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Hoàng Giang: Báo Công Thương