Vụ Hợp tác Quốc tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, cuối tuần qua Thống đốc Lê Minh Hưng đã tham dự hội nghị chung thống đốc các nước hội viên Nhóm Đông Nam Á Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (IMF/WB), trong khuôn khổ hội nghị thường niên IMF/WB 2018 tại Bali (Indonesia).
Hội nghị gồm thống đốc các ngân hàng trung ương, bộ trưởng tài chính các nước Đông Nam Á hội viên của IMF và WB.
Vụ Hợp tác Quốc tế dẫn tóm tắt báo cáo triển vọng kinh tế khu vực châu Á của IMF, trong đó nhận định kinh tế toàn cầu vẫn tăng trưởng tốt nhưng dần chậm lại và không đồng đều giữa các nước. Triển vọng kinh tế toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro, thách thức như căng thẳng thương mại, đồng tiền tại nhiều nước đang phát triển và mới nổi suy yếu, dòng vốn toàn cầu chịu sức ép...
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế các nước Nhóm Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng bởi rủi ro suy giảm do bất ổn trong hệ thống tài chính và những hạn chế mang tính cơ cấu, đồng thời khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần củng cố đệm vĩ mô và nâng cao tăng trưởng tiềm năng, nâng cao sức chống đỡ của hệ thống tài chính, củng cố và tăng cường vai trò của các thể chế, hệ thống đa phương.
Bàn về chủ đề căng thẳng thương mại và tác động đối với các nước Đông Nam Á, Chuyên gia kinh tế trưởng IMF, ông Maurice Obstfeld và bà Pinelopi Koujianou Goldberg, Chuyên gia kinh tế trưởng WB cho rằng căng thẳng thương mại đem lại những cơ hội mới cho các nước Đông Nam Á trong việc xuất khẩu các mặt hàng thay thế hàng hoá Trung Quốc sang thị trường Mỹ, đón đầu làn sóng FDI di chuyển ra khỏi Trung Quốc do bị ảnh hưởng từ các mức thuế suất của cả Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của IMF và WB cũng cho rằng các nước Đông Nam Á sẽ chịu tác động bất lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Xuất khẩu của các nước trong khu vực bị ảnh hưởng do mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khá cao, xuất khẩu sang Trung quốc chiếm hơn 20% tổng doanh số xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á, trong khi cầu tại nền kinh tế số 2 thế giới này lại suy giảm do tác động bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Bên cạnh đó, các nước trong khu vực cũng tham gia nhiều vào chuỗi giá trị của các mặt hàng xuất khẩu của cả Mỹ lẫn Trung Quốc nên các biện pháp thuế quan trả đũa lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tác động tiêu cực tới doanh số xuất nhập khẩu của khu vực.
Ảnh hưởng của căng thẳng thương mại lên thị trường tài chính cũng sẽ khiến cho đồng tiền của các nước trong khu vực diễn biến bất thường, thị trường tài chính có nhiều biến động.
Tựu chung, IMF và WB cho rằng lợi ích của tình trạng căng thẳng thương mại lên các nền kinh tế Đông Nam Á không lớn hơn so với những tác động tiêu cực mà nó mang lại và khuyến nghị các nước Đông Nam Á tăng cường hợp tác, kết nối khu vực, hoàn tất và triển khai các hiệp định FTA đã ký kết như CPTPP, EVFTA, RCEP... cũng như củng cố sức chịu đựng của nền kinh tế.
Đối với Việt Nam, các đại biểu đánh giá căng thẳng thương mại cùng các chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Donald Trump cũng sẽ tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết, tại hội nghị trên, Việt Nam được đánh giá có cơ hội lớn nhất trong việc xuất khẩu các mặt hàng thay thế hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Theo thống kê của IMF, trong 20 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam chiếm lợi thế về hàng da giầy, may mặc, linh kiện điện tử, là các mặt hàng được hưởng lợi lớn nhất từ việc thay thế hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ.
Trong phân tích của IMF về xuất khẩu, thu nhập và đầu tư, trường hợp Mỹ áp thuế 25%, Việt Nam là nước có lợi thế hơn so với các nước về tăng thu nhập và xuất khẩu, trong khi đó, ảnh hưởng đến thu nhập và đầu tư được dự báo tác động đến Việt Nam không nhiều như các nước khác.
Việt Nam cũng đứng trước cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc nhờ nền tảng vĩ mô tốt và triển vọng tăng trưởng khả quan.
Các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao Việt Nam giữ được sự ổn định trên thị trường tiền tệ, ngoại hối trong khi tỷ giá tại nhiều nước đang phát triển, kể cả trong khu vực, đang phải chịu sức ép rất lớn.
Quỳnh Anh, Văn phòng BCĐLNKT