Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, kinh tế xã hội đất nước đã có bước phát triển tích cực với nhiều điểm sáng; hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng GDP hơn 7%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo niềm tin mới cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong thành tích chung đó, ngành Công Thương đã dồn sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, đột phá để đóng góp chủ lực vào bức tranh tăng trưởng kinh tế với nhiều kết quả ngoạn mục.
Trên cơ sở bình chọn của các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan báo chí ngành Công Thương, ngày 23/12/2024, Bộ Công Thương công bố 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024 gồm:
1. Là năm đột phá trong công tác tham mưu chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; tách A0 ra khỏi EVN để đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Năm 2023, Bộ Công Thương đã sớm tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Điện lực. Sau một năm chuẩn bị thần tốc nhưng kỹ lưỡng, công phu, khoa học, ngày 30/11/2024, Quốc hội khoá XV chỉ trong một kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi với tỷ lệ tán thành cao 91,65%. Đây là bước đột phá trong tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông các vướng mắc, thu hút đầu tư, phát triển ngành điện đáp ứng đòi hỏi tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp xây dựng và trình Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Nghị định 135 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu…); đồng thời, đã tập trung, nỗ lực tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chủ trương tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và cơ chế tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội, tạo thuận lợi cho sự phát triển bứt phá và bền vững ngành năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo sẽ là cơ sở quan trọng để tăng cường nguồn điện những năm tới; khắc phục lãng phí nguồn lực xã hội đã đầu tư lên đến 13 tỷ USD và giải quyết được nhiều vướng mắc tưởng chừng bế tắc. Việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO); chuyển giao về Bộ Công Thương là dấu mốc đổi mới, vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia khách quan, công tâm, công bằng…
Nửa đầu năm 2024 Bộ Công Thương đã nhanh chóng xây dựng, tham vấn ý kiến, trình Chính phủ ban hành và ban hành Kế hoạch thực hiện 4 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia Trong đó nêu rõ các nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể; đề xuất cơ chế, chính sách; các giải pháp thực hiện quy hoạch…Đây là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai một cách thuận lợi, hiện thực hoá các Chiến lược.
2. Kỳ tích Đường dây 500 kV mạch 3 với loạt kỷ lục về thời gian thi công, khối lượng công việc, huy động nguồn lực, cơ chế giải quyết vướng mắc; ngành Dầu khí hướng tới vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng doanh thu 2024; phát triển chuỗi dự án dầu khí và điện gió ngoài khơi cùng dấu ấn nhiều công trình năng lượng trọng điểm
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối với tổng chiều dài khoảng 519 km, có quy mô 1.177 cột; trong đó, cột cao nhất là 145 m, cột nặng nhất tới 415 tấn, thi công trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đi qua nhiều địa hình hiểm trở. Song với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, sáng tạo trong điều hành của Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, chỉ sau hơn 6 tháng thi công với khối lượng công việc khổng lồ và vượt qua những điều tưởng như không thể để về đích.
Dự án là minh chứng cho niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị; quyết tâm đổi mới, linh hoạt sáng tạo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tạo thêm động lực, thể hiện tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện; biến không thể thành có thể, vượt khó vươn mình vì lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Đây là một kỳ tích không chỉ riêng của ngành điện mà còn là kỳ tích của Việt Nam khi thi công thần tốc một công trình khó, trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục. Đặc biệt trong điều kiện thời tiết khó khăn, bất lợi, địa hình phức tạp, hiểm trở.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành cùng với các tuyến đường dây 500 kV mạch 1 & 2 sẽ trở thành trục xương sống quan trọng, góp phần cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn mới.
Ngành Dầu khí hướng tới vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng doanh thu 2024; phát triển chuỗi dự án dầu khí và điện gió ngoài khơi cùng dấu ấn nhiều công trình năng lượng trọng điểm.
Với kết quả sản xuất kinh doanh 11 tháng cơ bản hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu trọng yếu, đạt 903.843 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) quyết tâm thực hiện bằng được kế hoạch quản trị, hướng tới mục tiêu vượt 1 triệu tỷ đồng năm 2024 và chuẩn bị động lực cho mục tiêu tăng trưởng hơn 10% trong năm 2025.
Đặc biệt, Petrovietnam đã triển khai các dự án trọng điểm quy mô siêu lớn, phức tạp, công nghệ cao như chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn và dự án Lạc Đà Vàng đã minh chứng cho quyết tâm, nỗ lực của Tập đoàn và các đơn vị nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức để không ngừng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Chuỗi sự kiện bao gồm 5 sự kiện: Hạ thủy và bàn giao 33 chân đế điện gió ngoài khơi dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) cho khách hàng Orsted (Đan Mạch); ký hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi cho các khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương; khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Baltica 2 tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới; khởi công giàn công nghệ trung tâm của chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn; trao hợp đồng FSO mỏ Lạc Đà Vàng. Đây không chỉ là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực năng lượng truyền thống mà còn là sự mở rộng mạnh mẽ vào lĩnh vực mới, thể hiện tinh thần sáng tạo, đổi mới, khẳng định quyết tâm của tập đoàn trong việc làm mới động lực truyền thống và bổ sung động lực mới.
3. Kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng năm 2024 đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hướng tới mốc 800 tỷ USD, tăng 15%, cao gần gấp 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao là khoảng 6%; trong đó xuất khẩu trên 400 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao, khoảng gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%). 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%).
Đạt kết quả ngoạn mục trên có vai trò quan trọng của Bộ Công Thương triển khai Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ, đẩy mạnh chuyển đổi số cấp chứng nhận xuất xứ điện tử... Đặc biệt, đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại (XTTM) theo hướng đa dạng hóa phương thức triển khai..
4. Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô
Năm 2024, sản xuất công nghiệp trong nước tiếp tục gặp nhiều thách thức lớn do sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản cũng như nhu cầu tiêu dùng giảm đã ảnh hưởng tới sức cầu của nhiều ngành công nghiệp; tình hình bão lũ, thiên tai - đặc biệt là ảnh hưởng từ cơn bão số 3 cũng đã có nhiều tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhờ các nỗ lực chỉ đạo, điều hành chính sách của Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp năm 2024 không chỉ phục hồi tích cực mà còn có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,4%, cao hơn rất nhiều so với con số tăng trưởng 0,9% của cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trở lại vai trò là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Sản xuất công nghiệp cũng phục hồi và tăng trưởng trên diện rộng, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ được dẫn dắt bởi các chỉ đạo, điều hành chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của Bộ Công Thương trong nhận diện những điểm nghẽn và tham mưu, ban hành các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó. Đồng thời, là những nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, địa phương, ngành hàng trong việc chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tìm kiếm thị trường mới và áp dụng công nghệ số.
5. Đột phá khai mở thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi, Nam Âu và thị trường Halal với việc đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA), mở cánh cửa lớn triển vọng ký kết loạt FTA mới
Ngày 28/10/2024, sau hơn 01 năm đàm phán, Việt Nam và UAE đã ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA). Đây là FTA đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả-rập, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với UAE. Hiệp định có sức lan toả mạnh mẽ tạo tiếng vang, cuộc đua marathon mới trong ký kết các FTA với các nước Trung Đông – Châu Phi thời gian tới; trước mắt là các nước Saudi Arabia, Ai Cập, Quatar... Việc ký kết Hiệp định sau khoảng thời gian hơn một năm đàm phán còn lập kỷ lục mới thể hiện sự chủ động, đi đầu của Bộ Công Thương trong kết nối hợp tác kinh tế quốc tế. Hiệp định CEPA đã nâng tổng số FTA của Việt Nam đã ký kết và đàm phán lên 19 FTA; mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.
CEPA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả Rập. Từ đây một lần nữa, mở ra thêm rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ta vào thị trường Halal - một thị trường rất rộng lớn. Hiện nay, ngành công nghiệp Halal đang phát triển mạnh mẽ với hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới. Việc thiết lập các tiêu chuẩn Halal từ sản xuất đến phân phối đang trở thành xu hướng quan trọng, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt hơn 7.000 tỷ USD năm 2024, dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Tổng số người theo đạo Hồi năm 2024 khoảng 2,2 tỷ người, dự kiến tới năm 2030 sẽ đạt 2,8 tỷ người (30% dân số thế giới), tăng gấp đôi tốc độ gia tăng dân số của các tôn giáo khác. Ngành công nghiệp Halal được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại các thị trường châu Á, Trung Đông và châu Phi.
Sản phẩm phục vụ thị trường Halal chủ yếu là nông sản, do đó khơi mở được thị trường này sẽ giải quyết cơ bản các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của nước ta.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, bên cạnh các thị trường truyền thống, trong năm 2024 ngành Công Thương tiếp tục thúc đẩy, đàm phán tiến tới ký kết các FTA với Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA), Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ (MERCOSUR) và Canada...
6. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 9% tổng mức hàng hoá tiêu dùng và 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam, giữ vững vị trí Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới
Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Hiện quy mô thị trường thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước và giúp Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Đáng chú ý, thương mại điện tử xuyên biên giới được xác định là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Và việc tổ chức thành công Online Friday đã góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.
Công tác quản lý nhà nước ngày càng được chú trọng, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
7. Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc 9%, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; là trụ đỡ để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô
Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng 9% so với năm 2023, đạt mục tiêu kế hoạch ở mức cao. Tăng trưởng thị trường trong nước đã góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bộ Công Thương cũng đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế, điều hành linh hoạt, ổn định thị trường xăng dầu năm 2024 và tích cực chủ động tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý kinh doanh xăng dầu
Năm 2024 đánh dấu mốc 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với nỗ lực của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương giúp cho hàng Việt Nam, nhất là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng - những mặt hàng có thế mạnh - đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại. Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%; tại hệ thống phân phối nước ngoài là 80 - 90%; tại hệ thống chợ là 60 - 65%...Năm 2024, Bộ Công Thương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ; tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong công tác phát triển và quản lý chợ, tạo động lực phát triển kênh phân phối hàng hoá chủ lực của nước ta.
8. Đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại theo hướng đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và bền vững; nâng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam lần đầu vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới
Xúc tiến thương mại đổi mới mạnh mẽ, triển khai đồng bộ Chương trình cấp quốc gia về XTTM, Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình Chuyển đổi số trong XTTM, chủ động bắt nhịp với xu thế chuyển đổi xanh và bền vững với hàng loạt hoạt động XTTM của Vùng, của các địa phương và giữa Bộ Công Thương với các Bộ, Ngành. Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh” với hàng ngàn sự kiện XTTM được tổ chức ở cấp quốc tế, quốc gia và cấp vùng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành lớn trên thế giới, các hội nghị giao thương ở trong nước và trên khắp thị trường xuất khẩu trọng điểm, các thị trường có FTA thế hệ mới, thị trường tiềm năng... đã giúp định vị, quảng bá nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, ngành hàng, giúp khơi thông dòng chảy hàng hóa Việt Nam gia tăng năng lực cạnh tranh, tham gia vào mạng lưới thương mại toàn cầu, kết nối thông suốt từ nhà sản xuất đến nhà phân phối trong nước với nhà nhập khẩu, phân phối nước ngoài một cách thông suốt theo chuỗi giá trị sản phẩm… Theo báo cáo của Brand Finance năm 2024, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao so với năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về phần trăm giá trị thương hiệu hai con số.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công thương với các Bộ, Ngành có liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch... đã mang lại hiệu quả cộng hưởng tác động tích cực lẫn nhau giữa các lĩnh vực. Tiêu biểu như Lễ hội trái cây được Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT lần đầu tổ chức tại Bắc Kinh đã tạo ra tiếng vang lớn và hiệu ứng rất tích cực trên thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của nước ta…
Sự lồng ghép đào tạo, tập huấn kỹ năng XTTM đã giúp sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã vươn xa, tiếp cận được các thị trường xuất khẩu lớn với chi phí thấp hơn, thông qua các nền tảng số như Alibaba, Tiktok, Amazon...
Đổi mới trong XTTM còn được thực hiện ngay từ quản lý Nhà nước về XTTM. Cụ thể, việc tăng cường phân cấp, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong XTTM đã giúp doanh nghiệp giảm được 90% chi phí tuân thủ và hàng trăm ngàn lượt thực hiện các thủ tục hành chính về XTTM, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả marketing, XTTM.
9. Phòng vệ thương mại tích cực, chủ động, vững chắc, xử lý thành công hầu hết vụ việc, bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới
Trong tổng số gần 30 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng mới năm 2024, hàng hoá xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 5 vụ việc kép (vừa điều tra chống bán phá giá vừa điều tra chống trợ cấp), đặc biệt điều tra chống trợ cấp lên tới 6 vụ việc. Năm 2024 cũng ghi nhận thêm một thị trường lần đầu tiên điều tra với Việt Nam (là Nam Phi), đưa tổng số nước/vùng lãnh thổ từng điều tra phòng vệ thương mại với ta thành 25 thị trường. Hoa Kỳ vẫn là thị trường khởi xướng nhiều vụ việc nhất, chiếm khoảng 1/3 số vụ việc. Bên cạnh các vụ việc mới khởi xướng, Bộ Công Thương đã tham mưu và chủ trì, xử lý thành công phần lớn trong hơn 100 vụ việc từ những năm trước vẫn đang trong quá trình điều tra/rà soát áp dụng biện pháp.
Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế như: (i) cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh để các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp theo dõi và nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp; (ii) chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, hiệp hội, ngành hàng xử lý các vụ việc phát sinh: hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định điều tra và xây dựng phương án ứng phó; trả lời các bản câu hỏi và tham gia các cuộc thẩm tra dành cho Chính phủ Việt Nam; gửi lập luận, phản biện, tham vấn với cơ quan điều tra nước ngoài khi có cáo buộc thiếu chính xác hoặc hoạt động và kết luận điều tra chưa phù hợp với các quy định quốc tế, pháp luật của nước sở tại; (iii) đưa vụ việc ra cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)…
Nhờ đó, công tác xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2024 như Hoa Kỳ chấm dứt điều tra phòng vệ thương mại với tủ gỗ, nhôm đùn ép, bánh xe kéo bằng thép; các doanh nghiệp hợp tác được hưởng thuế 0% trong vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống lẩn tránh pin năng lượng mặt trời…, giúp nhiều ngành hàng giữ được thị trường xuất khẩu.
10. Chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, tinh gọn bộ máy là "cuộc cách mạng" và phải được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, mặc dù không phải là bộ phải sáp nhập theo chủ trương của Trung ương, Bộ Công Thương đã lập tức vào cuộc, chủ động triển khai.
Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Đảng ủy Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch số 908-KH/ĐUB ngày 28/11/2017 và Chương trình hành động số 966–CTr/ĐUB ngày 29/12/2017 về học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XII. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tổ chức và tham gia làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền rộng rãi những nội dung cơ bản của Nghị quyết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động ở các tổ chức đảng trực thuộc.
Bộ đã tiếp tục cơ cấu tại tổ chức, kết thúc hoạt động của Tổng cục Quản lý thị trường, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản nhiều cục, vụ chức năng và các trường, viện, đơn vị sự nghiệp; giảm số công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính; hướng tới một mô hình quản lý, hoạt động hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bộ Công Thương chủ động đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ.
Bộ Công Thương