Tin tức

Theo nhiều tổ chức kinh tế quốc tế, tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi trong năm nay do lạm phát giảm bớt và nền kinh tế Mỹ tăng tốc.

Vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng dự báo tổng thương mại toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay sau khi suy thoái vào năm 2023 do nhu cầu, giá cả và lạm phát tăng cao.

Cụ thể, theo OECD, thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 2,3% trong năm nay và 3,3% vào năm 2025. Con số này cao gấp đôi so với mức tăng trưởng chỉ 1% của năm ngoái.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, IMF cũng dự báo rằng tổng thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% vào năm 2024. WTO, vốn không đưa ra dự báo về thương mại dịch vụ, dự kiến ​​thương mại hàng hóa sẽ tăng 2,6% vào năm 2024, sau khi giảm 1,2% trong năm ngoái.

Bà Clare Lombardelli, nhà kinh tế đứng đầu tại OECD, cho rằng sự tăng trưởng này là do “sự phục hồi theo chu kỳ” khi thương mại tăng trưởng song hành cùng kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Phát biểu với tờ Financial Times, bà cũng dự báo rằng Trung Quốc và khu vực Đông Á ​nói chung ​sẽ là động lực lớn cho sự phát triển kinh tế trong thời gian tới. Đồng quan điểm, ông Neil Shearing, nhà kinh tế đứng đầu tại công ty nghiên cứu Capital Economics (Anh) cho biết: “Chúng tôi đã thấy một số “chồi xanh” trong thương mại toàn cầu. Cuộc suy thoái sản xuất hiện đã kết thúc”.

Theo Financial Times, các nước trong khối Liên minh Châu Âu (EU) đang được hưởng lợi lớn từ tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm nay. Thực tế, tăng trưởng chung của khu vực sử dụng đồng Euro đã lên 0,3% so với 3 tháng trước đó, mức tăng mạnh nhất kể từ quý 3 năm 2022. Ông Salomon Fiedler, nhà kinh tế tại ngân hàng Berenberg (Đức), nhận xét: “Chúng tôi đã kỳ vọng hoạt động thương mại của EU sẽ tăng trưởng trong năm nay, và hiện tại sự phục hồi, đặc biệt là trong xuất khẩu, đang diễn ra sớm hơn mong đợi”.

Cụ thể, theo dữ liệu công bố vào hôm thứ Ba, xuất khẩu tại Đức (nền kinh tế lớn nhất EU) tăng 0,9% so với một tháng trước đó, góp phần vào mức tăng trưởng 3,2% so với quý trước. Nhập khẩu vào nền kinh tế này cũng tăng 0,3% trong tháng 3 và 1,7% trong quý đầu tiên. Còn tại Pháp, xuất khẩu hàng hóa đã tăng 2,9% trong tháng 3 so với tháng trước, làm giảm thâm hụt thương mại của nước này xuống mức thấp nhất trong ba năm.

Tương tự, Văn phòng Thống kê quốc gia Tây Ban Nha cho biết nhu cầu hàng hóa từ nội địa và nước ngoài đã đóng góp lần lượt là 0,2% và 0,5% vào tăng trưởng kinh tế quý 1 của quốc gia này. Theo báo cáo Giám sát thương mại thế giới do Cục Phân tích chính sách kinh tế Hà Lan công bố, thương mại hàng hóa tại nước này đã tăng trưởng trở lại lần đầu tiên trong một năm vào tháng Hai.

Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu đáng mừng vừa qua, tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến ​​vẫn chưa thể trở lại mức trước đại dịch trong năm nay. Theo số liệu từ WTO, tổng tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ năm 2024 vẫn đang thấp hơn 1,2% so với mức cao kỷ lục là 4,2% trong giai đoạn 2006 - 2015.

WTO cùng OECD, IMF cũng cảnh báo về những rủi ro đối với thương mại toàn cầu do căng thẳng địa chính trị, xung đột khu vực và bất ổn kinh tế, trong bối cảnh các chính phủ tập trung vào an ninh quốc gia, khả năng tự lực tự cường và trợ cấp cho các công ty trong nước. Theo WTO, thương mại giữa hai khối phương Tây và phương Đông tăng trưởng thấp hơn 4% so với thương mại giữa các nước trong hai khối này, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022.

Hơn nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới cũng có thể gây bất ổn cho thương mại toàn cầu. Được biết, cựu Tổng thống Donald Trump đã cam kết áp dụng mức tăng thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại của Mỹ nếu ông tái đắc cử, và thậm chí là đã ám chỉ sẽ áp dụng mức thế quan lớn hớn hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngọc Hưởng, Ủy ban quản lý vốn