Khủng hoảng nông nghiệp đang diễn ra ở châu Âu, khi hàng loạt cuộc biểu tình của giới nông dân đã diễn ra trên khắp các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp…
Những người nông dân chỉ trích sự vội vàng của Ủy ban châu Âu (EC) trong chiến lược thiết lập các Hiệp định thương mại ưu đãi. Họ cho rằng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã trở thành “mũi tên” tàn phá nền nông nghiệp châu Âu. Tuy nhiên, thực tế không phải hoàn toàn là như vậy.
Trong một nghiên cứu được công bố mới đây về 10 FTA vừa được ký kết hoặc đang được đàm phán của EU, bao gồm các FTA với Australia, Chile, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mexico, New Zealand, Philippines, Thái Lan và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), EC thừa nhận sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với ngành chế biến thịt bò, thịt cừu, thịt gia cầm, gạo và đường. Do đó, EU lựa chọn giải pháp áp đặt “hạn ngạch thuế quan đã được hiệu chỉnh” để giảm những rối loạn thị trường có thể xảy ra. Ngoài các ảnh hưởng tiêu cực, theo Trung tâm Nghiên cứu Chung EC, 10 FTA này sẽ mở ra triển vọng thương mại mới cho các lĩnh vực khác của EU và có thể tạo tác động tích cực đến các sản phẩm sữa, thịt lợn, thực phẩm chế biến và đồ uống.
Đến nay, EU đã ký 47 hiệp định ưu đãi với tổng số 79 nước đối tác. Báo cáo thường niên mới nhất của EC về kết quả của các thỏa thuận thương mại đã ký kết, được công bố vào mùa Thu 2023, cho thấy vào năm 2022, EU vẫn ở vị trí đầu tiên trong thương mại toàn cầu về các sản phẩm nông sản thực phẩm. Lần đầu tiên trong lịch sử, thương mại của khối này thông qua các FTA đã vượt quá 2.000 tỷ euro (2.166,64 tỷ USD). Cán cân thương mại phần lớn thặng dư, nhờ xuất khẩu đạt tới 229 tỷ euro trong khi nhập khẩu đạt 171 tỷ euro.
Riêng trong lĩnh vực nông sản thực phẩm, trao đổi thương mại giữa EU với 74 đối tác ưu đãi vào thời điểm năm 2022 (42 hiệp định) đã tăng 21,2%. Xuất khẩu sang các đối tác ưu đãi tăng mạnh (+17,5%) so với các nước chưa có thỏa thuận với EU (+13,5%). Ngũ cốc và các chế phẩm từ ngũ cốc, tiếp theo là các sản phẩm từ sữa, là những ngành đóng góp nhiều nhất vào mức tăng xuất khẩu.
Ông Jean-Luc Demarty, nguyên Tổng giám đốc của DG Trade thuộc EC, cho biết năm 2023, EU đạt được thặng dư 70 tỷ euro trong cán cân thương mại nông sản-thực phẩm của khối, tăng liên tục 60 tỷ euro trong 15 năm, một giai đoạn phát triển vượt bậc của các FTA.
Không phủ nhận rằng người nông dân châu Âu đã gặp khó khăn thực sự trong một số lĩnh vực nhất định, khi các FTA được ký kết và có hiệu lực. Nhưng các FTA dường như đang là “vật tế thần” cho những vấn đề mà ngành nông nghiệp châu Âu đang phải đối mặt, trong khi hiệu quả của chúng đã được tổng kết bằng con số thực tế.
Mạnh Tiến, Bộ Thông tin và truyền thông