Con số này tăng 5,3% so với tháng trước (tương ứng tăng 2,79 tỷ USD).
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% (tương ứng tăng 1,19 tỷ USD) và nhập khẩu ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% (tương ứng tăng 1,6 tỷ USD).
Với kết quả trên, lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% (tương ứng giảm 45,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% (tương ứng giảm 17,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022 và nhập khẩu ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% (tương ứng giảm 27,49 tỷ USD).
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5 năm 2023 ước tính thặng dư 2,24 tỷ USD. Như vậy, lũy kế 5 tháng từ đầu năm 2023, cả nước ước tính thặng dư 9,8 tỷ USD.
Theo phân tích của Bộ Công Thương, mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động thương mại tháng 5 đã có những tín hiệu khởi sắc.
Tuy nhiên, là nền kinh tế có độ mở lớn, khả năng chịu đựng với các cú sốc bên ngoài còn yếu, phụ thuộc nhiều vào khối FDI (trong 5 tháng đầu năm 2023, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu, 65% kim ngạch nhập khẩu); công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, sản xuất, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu... Trong khi đó, chi phí đầu vào, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay mặc dù đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; thị trường đầu ra bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, một số lĩnh vực chỉ mới có tín hiệu phục hồi đơn hàng từ đầu quý III/2023... đã tác động làm suy giảm tăng trưởng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023.
Để gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ như đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN). Cụ thể, quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mêxico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunay).
Ngoài ra, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.
Thu Hiên, Tạp chí cộng sản