Ngày 14/6/2023, Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế (BCĐLNKT) tổ chức Hội nghị cập nhật thông tin về Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) 2023 cho cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Kiên Giang vào tại TP. Rạch Giá.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Trương Văn Minh chia sẻ, ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mở ra cánh cửa lớn để đất nước hội nhập sâu rộng, tích cực với khu vực và thế giới. Sau hơn 15 năm hội nhập và phát triển, Việt Nam đã dần khẳng định vị thế, đến nay Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 FTA đang thực thi, 02 FTA đang đàm phán. Trong đó, các FTA thế hệ mới đi vào thực thi những năm gần đây như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP,… đang tạo đà rất lớn cho xuất khẩu hàng hóa cũng như có ý nghĩa lớn đối với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các FTA đã góp phần quan trọng, trong việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Kiên Giang nói riêng, quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng, vị thế từng bước được nâng cao. Một trong những động lực cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng là các FTA thế hệ mới. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang thị trường các nước thành viên của các hiệp định trên liên tục tăng từ khi các hiệp định có hiệu lực, trong đó năm 2022 đạt trên 800 triệu USD, tăng 9,7% so cùng kỳ, 06 tháng đầu năm 2023 đạt 410 triệu USD, tăng 1,18% so cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu được mở rộng hơn 50 thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo cơ hội việc làm và phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng gặp nhiều thách thức như sức cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều ngành, doanh nghiệp và sản phẩm sẽ gặp khó khăn hơn. Việc thực hiện các cam kết sâu rộng, nhất là đáp ứng các yêu cầu về vấn đề lao động, việc làm, bảo vệ môi trường,... đòi hỏi phải có lộ trình thực hiện phù hợp và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Để hỗ trợ cho việc tham gia vào các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế cũng như giúp tận dụng tốt hơn các cơ hội, vận dụng các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, vượt qua những khó khăn thách thức đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, các chuyên gia đã chia sẻ một số nội dung như: Cơ hội, thách thức và lợi ích khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA); Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp sau hơn 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA; Xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Úc và Niu-Di lân khi thực thi các Hiệp định (RCEP, CPTPP, AANZFTA).
Tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng BCĐLNKT Phạm Trung Nghĩa, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ Bộ Công Thương đã thông tin chi tiết đến các đại biểu tình hình triển khai thực thi các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP và AANZFTA
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Việc thực thi CPTPP đã mang lại nhiều kết quả tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thành viên CPTPP đạt khoảng 104,5 tỷ USD, tăng khoảng 14,3% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 53,5 tỷ USD, tăng 17,28% so với năm 2021. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam đạt 51 tỷ USD, tăng 11,33% so với năm 2021. Các con số đã chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt lợi thế mà Hiệp định CPTPP mang lại, bất chấp những khó khăn về chuỗi cung ứng và những xung đột, suy thoái kinh tế toàn cầu thời gian qua.
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)
Năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng khả quan, trong bối cảnh thế giới bất ổn, chuỗi cung ứng, giao thương và kinh tế EU đối mặt với nhiều khó khăn. Xuất nhập khẩu Việt Nam và EU năm 2022 đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2 % so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 8,5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó xuất khẩu đạt 46,82 tỷ USD, tăng 16,7%, nhập khẩu đạt 15,42 tỷ USD, giảm 8,7%. Việt Nam xuất siêu sang EU ở mức 31,4 tỷ USD, tăng so với mức 23,23 tỷ USD trong năm 2021.
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA)
Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Vương quốc Anh đạt 6,83 tỷ USD tăng 3,4 % so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 6,06 tỷ USD, tăng 5,2%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Anh sang Việt Nam giảm 9,2% xuống còn 771 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang UK đạt 0,94 tỷ USD, trong đó tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi từ Hiệp định đạt 0,28 tỷ USD, tương đương 29,7%.
Các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị sau với doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang:
- Chú trọng khai thác sự chuyển hướng thương mại, dịch chuyển đầu tư của các nước ra khỏi Trung Quốc, Hồng Công...
- Chú trọng khai thác thị trường Trung Quốc: đây là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với cả XK và NK, đối với cả chính ngạch và biên mậu..
- Khai thác cơ hội ở các thị trường Việt Nam đã có FTA đặc biệt là EU theo các hướng: xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp; và theo xu hướng đầu tư, sản xuất, xuất nhập khẩu của các tập đoàn, doanh nghiệp của các quốc gia khác).
- Chú ý vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm (CO,): hải quan của các nước có FTA và các cơ quan liên quan của Việt Nam tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt vấn đề xuất xứ hàng hóa.
- Để tận dụng tối đa ưu đãi của 15 FTA, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính).
Tại phần thảo luận, các doanh nghiệp, hợp tác xã,.. Kiên Giang đã đặt nhiều câu hỏi và được các diễn giả tham vấn chi tiết về các vấn đề liên quan đến kết nối logistic hạ tầng xuất khẩu; các tiêu chuẩn, chứng nhận kỹ thuật, chất lượng sản phẩm để hàng hóa có thể xuất khẩu sang các thị trường có FTA; các chương trình hỗ trợ xuất khẩu, xúc tiến thương mại đối với từng mặt hàng cụ thể có thế mạnh như gạo, thủy sản, trà gừng linh chi,…
Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT