Mặc dù xa cách về mặt địa lý song Việt Nam và Kazakhstan chia sẻ nhiều điểm chung, cũng như các điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ song phương. Hai nước là cửa ngõ của khu vực ASEAN và Trung Á, đón nhận nhiều cơ hội hợp tác từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), trong khi Kazakhstan là thành viên của EAEU. Buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Kazakhstan trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của phái đoàn thương mại-kinh tế, các nhà sản xuất Kazakhstan tại Việt Nam (15-17/3/2023) Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov nhấn mạnh, kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Kazakhstan. Trong năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Kazakhstan và Việt Nam đạt gần 600 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Kazakhstan đạt 525 triệu USD, nhập khẩu từ Kazakhstan sang Việt Nam đạt 60 triệu USD. Trên cơ sở quan hệ chính trị tin cậy được các thế hệ lãnh đạo hai nước vun đắp, thời gian qua, quan hệ hợp tác song phương đã không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EAEU có hiệu lực năm 2016 đã tạo động lực thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước. Việc thành lập Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Kazakhstan về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học - kỹ thuật cũng là cơ sở quan trọng để tăng cường quan hệ song phương. Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp khoảng 3 lần so mức ở thời điểm trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EAEU được ký. Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) mà Kazakhstan là thành viên đã ký hiệp định tự do thương mại từ năm 2015. Từ đó đến nay, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng tích cực, trung bình khoảng 28%/năm. Kazakhstan là quốc gia Trung Á có diện tích hơn 2,7 triệu km2 và dân số hơn 19 triệu người. Đây là trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng theo đường bộ từ châu Á qua châu Âu. Kazakhstan là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong EAEU. Về đầu tư, Kazakhstan có 5 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký khoảng 500.000 USD. Hiện nay, đã có nhiều doanh nhân Kazakhstan coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, hợp tác đầu tư mới. Bên cạnh đó, việc thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước vào năm 2022 đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi đoàn cũng như thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực tiềm năng như du lịch, vận tải. Việt Nam đã trở thành địa chỉ thu hút nhiều du khách Kazakhstan. Phía Kazakhstan mong muốn hợp tác đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp sạch công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Nhìn chung, hợp tác kinh tế giữa 2 bên còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, năng lượng sạch, công nghệ cao. Cùng với đó, quan hệ tốt đẹp mà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam và Kazakhstan đã xây dựng trong thời gian qua là nền tảng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Gần đây nhất, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm Kazakhstan tháng 10/2022 và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi cũng có chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8/2022. Có thể nói, vượt qua mọi thăng trầm lịch sử và khoảng cách địa lý, quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống Việt Nam-Kazakhstan đã và đang chứng kiến những bước phát triển mới, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc.